Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
K/g Bộ Tài chính, đơn vị chúng tôi muốn hói về nội dung như sau: Chúng tôi có gói thầu mua sắm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm nhiều mặt hàng, Quá trình thực hiện căn cứ quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC, Thông tư số 68/2022/TT-BTC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, UBND huyện đã ra Quyết định muc sắm trong đó chi tiết danh mục hàng hoá, chủng loại, đơn giá dự toán của từng mặt hàng. Căn cứ Quyết định mua sắm và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu của UBND huyện, chúng tôi đã tổ chức đấu thầu qua mạng theo quy định (Khi đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia chỉ đưa được nội dung tổng giá trị dự toán gói thầu mua sắm). Căn cứ quy định tại Điều 43, Luật Đấu thầu chúng tôi đã lựa chọn được nhà thầu cung cấp phù hợp với tổng giá trị gói thầu trúng thầu không vượt tổng giá trị dự toán gói thầu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thanh toán, cơ quan kiểm soát chi NSNN là KBNN hiện từ chối thanh toán do chưa đảm bảo mức giá dự toán tại Quyết định mua sắm của UBND huyện, cụ thể đơn giá trúng thầu 2 loại mặt hàng, 1 loại cao hơn đơn giá dự kiến, 1 loại thấp hơn đơn giá dự kiến. Tuy nhiên, theo đơn vị nghiên cứu căn cứ tại điểm e, khoản 1, Điều 43, Luật Đấu thầu về "Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp lựa chọn được nhà thầu cung cấp hàng hoá: e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.", chúng tôi đã thực hiện duyệt trúng thầu đảm bảo quy định của Luật Đấu thầu. Vậy xin hỏi Bộ Tài chính, việc kiểm soát chi qua kho bạc đối với việc mua sắm hàng hoá chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước có phải trên cơ sở “tổng giá trị gói thầu mua sắm trúng thầu không được vượt quá tổng dự toán gói thầu mua sắm” hay “đối với từng mặt hàng mua sắm, đơn giá trúng thầu không được vượt quá đơn giá dự toán” ạ? Nếu trường hợp “đơn giá không được vượt quá đơn giá dự toán”, xin hướng dẫn của Bộ để giải quyết trường hợp của đơn vị chúng tôi.
21/11/2023
Trả lời:

 - Tại Khoản 4, Điều 8 và Khoản 2, Điều 12 Luật NSNN quy định: Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

- Tại Khoản 5, Điều 56 Luật NSNN: “Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này theo phương thức thanh toán trực tiếp hoặc tạm ứng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

- Tại Khoản 2, Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; đồng thời, tại Điều 3 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: 4. ....Nội dung chủ yếu của Quyết định mua sắm tài sản gồm: a) Tên cơ quan nhà nước được mua sắm tài sản; b) Danh mục tài sản được mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí); c) Phương thức mua sắm; d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.”

- Tại Khoản 2 Điều 34, Khoản 2 Điều 35, Điều 65 Luật Đầu thầu 43/2013/QH13 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2013) quy định:

“Điều 34. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

2. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm thường xuyên:

a) Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có cần thay thế, mua bổ sung, mua sắm mới phục vụ cho công việc;

b) Quyết định mua sắm được phê duyệt;

c) Nguồn vốn, dự toán mua sắm thường xuyên được phê duyệt;

Điều 35. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu

2. Giá gói thầu:

a) Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

Điều 65. Hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

1. Sau khi lựa chọn được nhà thầu, chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung và nhà thầu được lựa chọn phải tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

…3. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

4. Giá hợp đồng không được vượt giá trúng thầu. Trường hợp bổ sung khối lượng công việc ngoài hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến giá hợp đồng vượt giá trúng thầu thì phải bảo đảm giá hợp đồng không được vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt; nếu dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá hợp đồng phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì: Kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và giá gói thầu trong hợp đồng phải được xác định trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức tài sản công theo quy định pháp luật và dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tại điểm b khoản 2 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định:

“- Đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị:

+ Đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và đơn giá tối đa quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg); đối với trường hợp được điều chỉnh giá phải đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg.

+ Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng: KBNN kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) quy định tại Văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành (thẩm quyền ban hành theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg) và đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Như vậy, Kho bạc Nhà nước căn cứ các quy định nêu trên để kiểm soát, thanh toán đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị từ nguồn chi thường xuyên. Vì vậy, đề nghị độc giả căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện.

Gửi phản hồi: