Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Đắk Lắk, ngày 29/12/2023. Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi tên: Nguyễn Sơn Thành. Hiện đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, tôi gặp khó khăn vướng mắc như sau: Cơ quan tôi tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng 01 gói thầu mua sắm thiết bị, máy móc chuyên dùng. Có 01 nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu nhỏ hơn giá gói thầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hai bên đã tiến hành đầy đủ các thủ tục cần thiết và ký kết hợp đồng. Khi thực hiện cam kết chi, Kho bạc Nhà nước tại địa phương cho rằng đơn giá dự thầu một số thiết bị trong gói thầu cao hơn đơn giá thiết bị tương ứng trong dự toán được phê duyệt nên không thể thực hiện thanh toán, căn cứ bởi Điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 (Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng: KBNN kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) quy định tại Văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành (thẩm quyền ban hành theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg) và đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013: “Giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, báo giá, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu”. Có thể hiểu khi tham gia dự thầu, nhà thầu có quyền chào đơn giá đối với các hạng mục công việc trong gói thầu khác với giá dự toán (và thực chất nhà thầu không thể biết giá của từng hạng mục công việc được phê duyệt trong dự toán). Việc tính toán giá dự thầu trong HSDT là do nhà thầu tự quyết định để đảm bảo cạnh tranh về giá với các nhà thầu khác, đồng thời đảm bảo thực hiện gói thầu hiệu quả, chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định nguyên tắc thương thảo hợp đồng như sau: “Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có)…” Xin hỏi: 1. Cụm từ: “…Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt” tại Điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 được hiểu chính xác như thế nào? Là chi tiết từng hạng mục cụ thể cấu thành tổng dự toán hay là Tổng dự toán được phê duyệt? Nếu hiểu là “chi tiết từng hạng mục cụ thể ” thì khi mời thầu Chủ đầu tư có phải công khai dự toán chi tiết được phê duyệt để các nhà thầu căn cứ chào thầu cho phù hợp không? 2. Trong trường hợp cơ quan tôi đang gặp phải nêu trên, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý. Trân trọng!
10/01/2024
Trả lời:

1. Về quy định kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, theo đó:

+ Tại Khoản 4 Điều 8 và Khoản 2 Điều 12  quy định: “Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định

+ Tại Khoản 5 Điều 56 quy định: “Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này theo phương thức thanh toán trực tiếp hoặc tạm ứng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

- Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị, theo đó tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 quy định: Bộ, cơ quan trung ương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại đơn vị

- Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, theo đó tại Điểm a Khoản 4 Điều 7 quy định: Hồ sơ gửi lần đầu (gửi một lần vào đầu năm hoặc khi có phát sinh, điều chỉnh, bổ sung), bao gồm: Văn bản phê duyệt dự toán nămđược cấp có thẩm quyền giao; hp đồng (đối với các hợp đồng có giá trị trên 50 triệu đồng trở lên); văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ (đối với trường hp tự thực hiện); văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Căn cứ Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, theo đó quy định Kho bạc Nhà nước kiểm tra, kiểm soát đối chiếu đảm bảo nội dung:

+ Tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 quy định đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị:

Đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và đơn giá tối đa quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg); đối với trường hợp được điều chỉnh giá phải đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg.

 Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng: KBNN kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) quy định tại Văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành (thẩm quyền ban hành theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg) và đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Về trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước và đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước

- Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

 Tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính quy định: Thực hiện kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, chứng từ, trường hợp không đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Thông tư này,….”

- Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước

+ Tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị giao dịch: Chịu trách nhiệm về quyết định chi; quy trình, hình thức và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật; tính chính xác của đơn giá, khối lượng, giá trị đề nghị thanh toán; chịu trách nhiệm và chấp hành đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; tiêu chí kỹ thuật, số lượng của tài sản mà đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước mua sắm theo quy định của pháp luật; các nội dung ghi trên bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng; bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan.

+ Tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính quy định: Đối với chi mua sắm tài sản công đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành (đối với máy móc, thiết bị, ô tô chuyên dùng).

Từ các quy định tại Mục 1 và Mục 2 nêu trên, đề nghị độc giả nghiên cứu, phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện kiểm soát, thanh toán đối với các khoản chi mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Gửi phản hồi: