Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
HỎI CỤC QUẢN LÝ GIÁM SÁT BẢO HIỂM Kính gửi Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, Công ty chúng tôi có mua bảo hiểm tài sản theo Hợp đồng bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt với Công ty bảo hiểm (Cty BH). Đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an đã kết luận nguyên nhân cháy là do cháy lan từ bên thứ ba. Dựa vào kết luận nguyên nhân cháy, Cty BH cũng đã kết luận tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm và thời điểm hiện tại chúng tôi được tạm ứng 50% số tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, vì Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết là hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị và có điều khoản thế quyền nên Cty BH cho rằng khi bên thứ ba (bên có lỗi gây ra thiệt hại) chi trả số tiền bồi hoàn, số tiền đó phải được chia sẻ theo đúng tỷ lệ giữa phần tài sản thiệt hại của công ty chúng tôi (phần không được bảo hiểm) và phần thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm của Cty BH. Bên cạnh đó, Cty BH yêu cầu công ty chúng tôi phải sắp xếp cuộc họp ba bên (gồm chúng tôi, Cty BH và bên thứ ba gây ra thiệt hại) để thống nhất ba bên về phương thức và tổng số tiền bồi hoàn từ bên thứ ba. Đồng thời, Cty BH trích dẫn Điều 29 Luật KDBH và xác định hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bồi thường (để Cty BH trả 50% tiền bồi thường còn lại) cần bao gồm: (i) Văn bản làm việc thống nhất của cả 3 bên về phương thức và tổng số tiền bồi hoàn cuối cùng từ bên thứ ba (nếu các bên có thể thống nhất); hoặc (ii) Quyết định của Tòa án/Trọng tài về tranh chấp bồi hoàn này (trong trường hợp vụ việc bồi hoàn này tranh chấp ở Tòa án/Trọng tài). Theo Luật KDBH, chúng tôi hiểu rằng công ty chúng tôi chỉ có trách nhiệm chuyển quyền bồi hoàn cho Cty BH sau khi chúng tôi nhận được tiền bồi thường, còn việc trên thực tế Cty BH có đòi từ bên thứ ba hay không không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Theo Bộ luật Dân sự, chúng tôi cũng được quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường đổi với phần tổn thất không được bảo hiểm. Chúng tôi nhận thấy yêu cầu của Cty BH không phù hợp và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chúng tôi. Do đó bằng văn bản này, chúng tôi kính nhờ Quý Cơ quan giải đáp các nội dung sau: 1/ Trường hợp Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết là hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị và có điều khoản thế quyền thì chúng tôi có buộc phải có thỏa thuận và thống nhất giữa cả ba bên về phương thức và số tiền bảo hiểm mà bên thứ ba phải trả cho công ty chúng tôi và cho Cty BH hay không? 2/ Theo Điều 29 Luật KDBH, trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thì “doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường”. Như vậy, “hồ sơ hợp lệ” có buộc phải bao gồm (i) văn bản làm việc thống nhất ba bên và (ii) quyết định của tòa án/trọng tài như đề cập ở trên hay không? 3/ Trong trường hợp bên thứ ba bồi thường cho chúng tôi nhưng số tiền này nằm trong khoản tổn thất mà chúng tôi không được Cty BH bồi thường (do tổn thất xảy ra vượt số tiền bảo hiểm của Hợp đồng) thì chúng tôi có buộc phải chia sẻ theo đúng tỷ lệ giữa phần tài sản thiệt hại của chúng tôi (phần không được bảo hiểm) và phần thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm của Cty BH hay không? Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi của Quý Cơ quan.
27/02/2020
Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm: “4. Đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ: a) Đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ... phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai... b) Đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ khác, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ... được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “2. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng”.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Điều 49. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn: 1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm”.

Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm (số tiền bồi thường, phương thức bồi thường, hồ sơ bồi thường) đối với hợp đồng bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt  thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm và quy định pháp luật.

Gửi phản hồi: