Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính: Tôi công tác tại phòng HCSN của Sở Tài chính, trong quá trình lập biên bản xét duyệt quyết toán năm 2018 tại các đơn vị, phòng tôi có một số quan điểm trái ngược nhau về mẫu biểu xét duyệt quyết toán tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 về quy định, xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán. Đề nghị Bộ Tài chính giải đáp giúp, cụ thể: 1. Tại phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC : - Phần quyết toán chi ngân sách tại Điểm b , Khoản 2, Mục II, số liệu được lấy tại biểu 1c kèm theo Thông tư 137. Vậy khi lấy số liệu vào biên bản, phần quyết toán chi ngân sách có bao gồm cả phần thu phi, lệ phí và nguồn khác được để lại không (theo kết cấu của biểu 1c thì A là nguồn ngân sách trong nước, B là nguồn phí khấu trừ để lại và C là nguồn hoạt động khác được để lại) - Tại Mục III. Nội dung đối chiếu số liệu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ: + Kết quả chênh lệch thu lớn hơn chi trong năm: ….. đồng, trong đó: * Sử dụng kinh phí tiết kiệm của cơ quan hành chính: …… đồng *Trích lập các Quỹ: …… đồng * Kinh phí cải cách tiền lương:... đồng Vậy các số liệu ghi vào mục này có bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị không (đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đối với đơn vị QLNN) hay chỉ lấy số liệu của phần SXKD dịch vụ, vì tiêu Mục III thì đề : kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ nhưng dưới gạch đầu dòng thứ 2 của thì ghi: sử dụng kinh phí tiết kiệm được của cơ quan hành chính? 2. Tại biểu 1b: đối chiếu số liệu kết quả hoạt động được lấy số liệu từ biểu B02/BCTC (hoặc B05/BCTC) như vậy kết cấu các phần I, II, III và IV bao gồm: Doanh thu, chi phí, thặng dư/thâm hụt. Có nhiều ý kiến cho rằng dùng từ thâm hụt/thặng dư tại các phần nêu trên là chưa đúng (vì chi phí thuế thu nhập nằm ở phần V và thặng dự là sau thuế, chênh lệch là trước thuế). Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm giải đáp! Tôi xin chân thành cảm ơn!
06/09/2019
Trả lời:

Theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định,  thông báo và tổng hợp quyết toán năm:

1. Tại phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC:

 a) Về phạm vi quyết toán chi ngân sách

Theo Điểm n Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước: "Số thu phí được khấu trừ và trích lại để bù đắp chi phí không thuộc phạm vi thu ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật".

Do đó, tại Mẫu Phụ biểu 01-01/BCQT ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và Mẫu biểu 1c ban hành kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC tách riêng cột nguồn phí được khấu trừ để lại không thuộc nguồn ngân sách nhà nước (trước đây theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC nguồn phí để lại thuộc nguồn NSNN).

Vì vậy, tại Biên bản xét duyệt/thẩm định quyết toán, phần quyết toán chi ngân sách tại Điểm b, Khoản 2, Mục II, số liệu quyết toán chi ngân sách năm 2018 được lấy tại biểu 1c kèm theo Thông tư 137/2017/TT-BTC chỉ thuyết minh số liệu chi nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trong nước, viện trợ, vay nợ nước ngoài); không thuyết minh nguồn phí được khấu trừ để lại và nguồn hoạt động khác được để lại).

b) Về nội dung đối chiếu số liệu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Mục III:

- Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC hướng dẫn xét duyệt/thẩm định quyết toán áp dụng chung cho năm 2017 (báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính thực hiện theo chế độ kế toán HCSN quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC) và từ năm 2018 trở đi 2017 (báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính thực hiện theo chế độ kế toán HCSN quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC. Số liệu chi tiết theo Mẫu biểu 3a ban hành kèm theo Thông tư này đối với xét duyệt/thẩm định quyết toán ngân sách năm 2017; theo Mẫu biểu 1b ban hành kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTCđối với xét duyệt/thẩm định quyết toán từ năm ngân sách 2018.  

Theo đó, đối với năm 2017 nội dung đối chiếu thực hiện theo Mẫu biểu 3a là Biểu "Đối chiếu số liệu thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ”; từ năm 2018 trở đi nội dung đối chiếu theo Mẫu biểu 1b là Biểu "Đối chiếu số liệu kết quả hoạt động năm”.

- Tại Mẫu biểu 1b cột nội dung hướng dẫn: "Chỉ tiêu theo Báo cáo kết quả hoạt động theo Mẫu B02/BCTC (đối với đơn vị lập báo cáo tài chính đầy đủ) hoặc Mẫu số B05/BCTC (đối với đơn vị lập báo cáo tài chính đơn giản) ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC”

- Theo Mẫu B02/BCTC và Mẫu số B05/BCTC ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, kết quả hoạt động đều bao gồm nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Do đó, từ năm 2018 trở đi, tùy theo tình hình thực tế của từng đơn vị được xét duyệt/thẩm định để đối chiếu số liệu kết quả hoạt động năm. Trường hợp doanh thu của đơn vị trong năm 2018 bao gồm: hoạt động NSNN cấp (kinh phí được giao tự chủ của cơ quan hành chính; kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ), hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, hoạt động tài chính... thì kết quả chênh lệch thu lớn hơn chi trong năm là kết quả thặng dư/thâm hụt của tất cả các hoạt động trong đó bao gồm hoạt động NSNN cấp.

c) Về chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 và Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2016 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: “Hàng năm, sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:”

- Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 và Điểm a Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập: “Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:”

              Theo các Nghị định nêu trên đều quy định đơn vị sau khi hạch toán đầy đủ các khoản nộp thuế theo quy định, mới xác định phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có). Theo đó, tại mẫu biểu B02/BCTC ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính  đã quy định chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mục V, trước thặng dư/thâm hụt tại Mục VI (xác định thặng dư sau thuế) là phù hợp với quy định về cơ chế tự chủ tài chính hiện hành.

Gửi phản hồi: