Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính. Tôi đang thực hiện nhiệm vụ được giao Trưởng Đoàn thanh tra tại một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh (Ban quản lý rừng phòng hộ A): Kết quả thanh tra thực tế tại Ban quản lý rừng A cụ thể như sau: Nguồn thu thực tế tiền DVMT rừng tại đơn vị phát sinh hạch toán trên BCTC hàng năm 18 tỷ đồng. Khi kiểm tra về việc xây dựng trình, thẩm định phê duyệt phương án tự chủ tài chính của đơn vị gửi cho cơ quan chủ quản chuyên ngành: Trong phương án tự chủ đơn vị chỉ đưa vào nguồn thu tiền DVMT rừng năm 2022 chỉ 9 tỷ đồng (trong khi số thu thực tế tại đơn vị phát sinh năm 2021 hạch toán và thể hiện BCTC 17 tỷ đồng). Tổng số chi dùng từ nguồn DVMT rừng này là 6 tỷ. Khi các ngành thẩm định PATCTC xác định chênh lệch thu - chi 3,0 tỷ; Trích lập quỹ CCTL 40%: 3,0 tỷ x 40% = 1,2 tỷ. Nguồn chi được để lại cân đối chi thường xuyên 9,0 tỷ - 1,2 tỷ = 7,8 tỷ. Xác định tổng chi thường xuyên giao tự chủ tài chính là: 6 tỷ + 5,5 tỷ (52 định biên tính theo định mức phân bổ ngân sách) = 11,5 tỷ. Xác định mức độ tự chủ của đơn vị là (7,8 tỷ/11,5 tỷ)* 100% = 67,8% Xác định ngân cấp bù chi thường xuyên 11,5 tỷ - 7,8 tỷ = 3,7 tỷ. Tham mưu UBND tỉnh cấp giao dự toán ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên (giao tự chủ tài chính) 3,7 tỷ đồng cho đơn vị. Đơn vị hạch toán: chênh lệch thặng dư (thâm hụt): 18 tỷ - 11,5 tỷ = 7,5 tỷ số tiền này trích lập quỹ CCTL theo phương án phê duyệt 1,2 tỷ , số còn lại 6,3 tỷ trích lập các quỹ theo quy định. Căn cứ các hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định 141/2016/NĐ-CP và Các Điều 5, Điều 6, Điều 21 của Thông tư 145/2017/TT-BTC. Theo tôi Tổng thu các nguồn tài chính sử dụng chi thường xuyên của đơn vị A là 9 tỷ (tính theo số đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính), còn tính theo số thực tế thu được là 18 tỷ. Tổng chi thường xuyên của đơn vị A là 11,5 tỷ, mức độ tự chủ tài chính của đơn vị A là (9 tỷ/11,5 tỷ)*100% = 78,26%. NSNN chỉ cấp bù giao tự chủ tài chính cho đơn vị A là 11,5 tỷ - 9 tỷ = 2,5 tỷ. Căn cứ số liệu thực tế thu được trong năm 2022 số tiền 18 tỷ, xác định đơn vị phải trích lập CCTL: (18 tỷ - 11,5 tỷ)* 40% = 2,6 tỷ. Chênh lệch thặng dư còn lại 6,5 tỷ - 2,6 tỷ đơn vị được phân phối sử dụng các quỹ như Điều 7 Thông tư 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017. Với tình hình thực tiễn tại địa phương như trên xin hỏi Bộ Tài chính một số vấn đề như sau: 1/ Cách tính thẩm định phương án tự chủ tài chính đối với đơn vị A như các ngành tại địa phương có đúng quy định Pháp luật không? Hay là xác định như cách tôi đã làm nêu trên, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết cụ thể. 2/ Căn cứ số thu thực tế tại đơn vị A tôi tính xác định quỹ CCTL đơn vị phải trích lập 2,6 tỷ như trên phù hợp không? Số tiền ngân sách đã cấp 3,7 tỷ có đúng quy định Pháp luật không? Trong trường hợp này nếu tính đúng thì số tiền ngân sách phải cấp là bao nhiêu? 3/ Căn cứ theo số thu thực tế để tính toán lại phương án tự chủ của đơn vị để xác định số tiền ngân sách cấp hỗ trợ chênh lệch sau khi đơn vị đã sử dụng hết nguồn thu sự nghiệp hay tính theo số đơn vị xây dựng trong phương án ; 4/ Trường hợp đơn vị A như trên: không báo trung thực số thu thực tế bị xử lý vi phạm hành chính theo văn bản quy phạm Pháp luật nào? Tại điều khoản nào? Kính mong Bộ Tài chính sớm trả lời để có cơ sở địa phương kết luận chính xác đúng Pháp luật phù hợp thực tế. Xin chân thành cảm ơn!
11/04/2024
Trả lời:

Do thông tin độc giả cung cấp chưa nêu rõ đơn vị sự nghiệp công lập đang ở mức độ tự chủ nào? Xác định, xây dựng và thẩm định phương án tự chủ giai đoạn nào? Vì vậy, Bộ Tài chính không có cơ sở để trả lời cụ thể.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15/08/2021; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/09/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2022). Theo đó:

-  Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị; chi thường xuyên giao tự chủ, không giao tự chủ; phân phối kết quả tài chính trong năm đối với ĐVNSCL tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1); ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 3); ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3); ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).

-  Thông tư số 56/2022/TT-BTC quy định:

“Điều 4. Phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công:

1. Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1); Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3); Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4).

2. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

Các đơn vị sự nghiệp công thực hiện xác định mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên theo công thức như sau:

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%) = (A/B)*100%

Trong đó:

a) A là tổng các khoản thu xác định mức tự chủ tài chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, bao gồm:

- Nguồn thu từ cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định);

- Nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước) từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật;

- Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có)

b) B là tổng các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (trong đó bao gồm cả các khoản chi để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, chi thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí theo quy định, chi thường xuyên phục vụ dịch vụ thu phí theo quy định).

Một số nội dung chi xác định như sau:

- Chi tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định theo số lượng người làm việc được giao hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);

- Chi hoạt động chuyên môn; chi quản lý; chi bảo trì, bảo dưỡng tài sản thường xuyên, chi mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên từ nguồn kinh phí giao tự chủ (không bao gồm các khoản chi theo dự án/đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí thường xuyên không giao tự chủ) và các khoản chi thường xuyên khác;

Các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính (B) không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân;

c) Các khoản thu, chi quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm kế hoạch xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền, có xét đến các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, khả năng chi trả của các đối tượng thụ hưởng, tác động khách quan do thiên tai, dịch bệnh và các biến động kinh tế - xã hội bất thường khác. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo theo đúng quy định của pháp luật và dự kiến về yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội.

3. Nguyên tắc xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định: Căn cứ dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, cơ quan quản lý cấp trên xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định đối với đơn vị trực thuộc nhóm 3 và nhóm 4 theo nguyên tắc bằng phần kinh phí còn thiếu giữa B và A (=B-A) quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này nhưng tối đa không vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên đã được cấp có thẩm quyền giao trong năm của cơ quan quản lý cấp trên.”

Do đó, đề nghị độc giả căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và các quy định nêu trên để xác định phương án tự chủ tài chính cho phù hợp với quy định hiện hành. Việc thực hiện xử phạt vi phạm lĩnh vực hành chính thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn Luật và quy định pháp luật có liên quan.

Gửi phản hồi: