Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính thưa BTC! Tôi có một nghiệp vụ mà thông tư 107/2017/TT-BTC chưa nói rõ: Tôi muốn hỏi về nghiệp vụ mua TSCĐ từ nguồn thu học phí (thu dịch vụ). Nghiệp vụ này thông tư 107/2017/TT-BTC nói chưa rõ ràng. Tôi đọc có một số tài liệu có hướng dẫn là khi mua TSCĐ từ nguồn học phí định khoản là: N211/C1121, N4212/C43142 (Giá trị còn lại của TSCĐ là TK 43142). Nhưng cũng có một số tài liệu có hướng dẫn là N211/C1121 (Gía trị còn lại của TSCĐ là TK 4212). Và nghiệp vụ hao mòn TSCĐ mua từ nguồn học phí hạch toán như nào ạ? Kính mong BTC trả lời để đơn vị làm theo đúng quy định. Kính mong BTC có hướng dẫn.
23/11/2020
Trả lời:

Câu hỏi của độc giả liên quan đến việc mua tài sản và hạch toán hao mòn tài sản từ nguồn dịch vụ (trong đó có học phí):

1. Quy định về trích lập Quỹ:

Khoản 3 Điều 12 NĐ 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp NSNN khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng để trích lập 4 Quỹ theo quy định. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Cũng theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP, trong số các quỹ thì chỉ có Quỹ PTHĐSN là được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc,…

2. Khi thực hiện mua sắm tài sản cố định, đơn vị cần tuân thủ theo các quy định về cơ chế tài chính, về mua sắm TSCĐ, tình hình tài chính của đơn vị,… và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trường hợp đơn vị thực hiện mua tài sản cố định từ nguồn dịch vụ, phải bố trí kinh phí, cân đối nguồn trong năm.

Về hạch toán kế toán: khi mua tài sản cố định sẽ ghi tăng TSCĐ và ghi nhận chi phí trong quá trình sử dụng tài sản (dưới dạng hao mòn hoặc khấu hao).

Hạch toán kế toán trong trường hợp mua sắm TSCĐ từ nguồn thu dịch vụ như sau:

- Khi thực hiện mua sắm TSCĐ, ghi:

Nợ TK 211- Tài sản cố định hữu hình

Có TK 111, 112, 331, …

- Cuối năm, khi đơn vị xác định thặng dư thâm hụt để trích lập các Quỹ theo quy định của cơ chế tài chính hiện hành, phần kinh phí đã bố trí mua sắm TSCĐ đơn vị cần phải theo dõi nguồn hình thành tài sản, hạch toán:

          Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

                   Có TK 431- Các quỹ (43142)

Trường hợp đơn vị phát sinh nhiều nghiệp vụ trong năm thì bút toán này đơn vị có thể hạch toán đồng thời khi mua tài sản để tránh nhầm lẫn.

- Về hạch toán hao mòn TSCĐ mua từ nguồn dịch vụ (trong đó có học phí):

+ Căn cứ thực tế đơn vị sử dụng TSCĐ cho hoạt động nào sẽ thực hiện tính hao mòn hoặc trích khấu hao TSCĐ cho phù hợp, hạch toán kế toán như sau:

Nợ TK 611 (nếu TSCĐ dùng cho hoạt động hành chính)

Nợ TK 154, 642 (nếu TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh-dịch vụ)

          Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ

+ Cuối năm, kết chuyển số hao mòn và khấu hao đã tính (trích) trong năm:

          Nợ TK 431- Các quỹ (43142)

                   Có TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế (số hao mòn đã tính)

                   Có TK 431- Các quỹ (43141) (số khấu hao đã trích)

Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định.

Gửi phản hồi: