Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty chúng tôi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài 100%. Để phát triển dự án đặc biệt, chúng tôi ký hợp đồng lao động 1 năm với ông A là cá nhân nước ngoài ( hợp đồng từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019). Ông A đến Việt Nam từ ngày 21/09/2018, rời khỏi Việt Nam ngày 5/7/2019. Vì ông A đã hoàn thành công việc dự án trước hạn nên ông rời khỏi Việt Nam sớm hơn thời hạn hợp đồng nhưng công ty vẫn trả đủ lương 1 năm theo hợp đồng cho ông ( phần lương còn lại theo hợp đồng sẽ được chi trả hết vào ngày 5/7/2019). Công ty chúng tôi đã tính thuế thu nhập cá nhân ( TNCN) cho ông từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019 theo diện cá nhân không cư trú ( có mặt ở Việt Nam dưới 183 ngày), từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2019 chúng tôi tính thuế TNCN cho ông theo diện cá nhân cư trú. Vậy công ty chúng tôi đã thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam hay chưa. Rất mong quí cơ quan sớm trả lời cho chúng tôi về địa chỉ email nguyenphan_thuylinh@yahoo.com, để chúng tôi được biết và thực hiện đúng qui định pháp luật. Trân trọng.
20/05/2019
Trả lời:

Qua xem xét nội dung văn bản hỏi, Cục Thuế có ý kiến như sau:

- Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế quy định:

“2. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung, Điều chỉnh hồ sơ khai thuế. Hồ sơ khai thuế bổ sung, Điều chỉnh được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế.”

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính:

+ Tại Điều 1 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) quy định về người nộp thuế:

“Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thể đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập...

1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:…

b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau: ...”

+ Điều 6. Kỳ tính thuế

“1. Đối với cá nhân cư trú

a) Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tụckể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

Ví dụ 3: Ông B là người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 20/4/2014. Trong năm 2014 tính đến ngày 31/12/2014, ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 130 ngày. Trong năm 2015, tính đến 19/4/2015 ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 65 ngày. Kỳ tính thuế đầu tiên của ông B được xác định từ ngày 20/4/2014 đến hết ngày 19/4/2015. Kỳ tính thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015.”

+ Tại Điều 25 quy định về khai thuế và chứng từ khấu trừ thuế:

“1. Khấu trừ thuế

...b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

...b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế)....”

- Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013:

“...a.5) Nguyên tắc khai quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:

...- Trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.

Trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam nhưng trước khi xuất cảnh chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì có thể ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự cho đơn vị trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định nếu tổ chức, cá nhân đó cam kết chịu trách nhiệm với cơ quan thuế về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của cá nhân theo quy định. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày cá nhân xuất cảnh.

... b.2) Hồ sơ khai quyết toán

... - Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. ...”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Ông A là cá nhân người nước ngoài có hợp đồng lao động 1 năm (từ 9/2018 đến 8/2019) tại Công ty thì Công ty thực hiện  khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm b3, khoản1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính. Trường hợp Ông A đến Việt Nam từ ngày 21/9/2018 và rời khỏi Việt Nam vào ngày  05/7/2019, nếu ông A có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày thì ông A được xác định là đối tượng cư trú tại Việt Nam trong năm tính thuế đầu tiên, Công ty khấu trừ thuế TNCN của ông A theo biểu lũy tiến từng phần, đồng thời ông A phải quyết toán thuế TNCN trước khi rời khỏi Việt Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 nêu trên.

Trường hợp Công ty đã khấu trừ chưa đúng quy định thì Công ty thực hiện kê khai bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương thông báo cho Công ty biết để thực hiện./.

Gửi phản hồi: