Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Xin gửi lời chào đến Quý cơ quan, Tôi hiện nay đang làm việc tại Phòng Pháp lý DN thuộc Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Khang Đức-MST: 3502230080, địa chỉ tại: 51 Phan Bội Châu, Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì hiện nay công ty chúng tôi có 5 - 7 cổ đông, vốn điều lệ là 60 tỷ nên không đủ điều kiện là công ty CP đại chúng, không phát hành cổ phiếu, không đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán (theo luật chứng khoán và các quy định liên quan). Vì đã có phát sinh giao dịch chuyển nhượng vốn góp của các cổ đông từ năm 2017, 2018 nhưng đến nay mới kê khai thuế theo quy định đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Chi cục thuế quản lý đã nêu căn cứ theo điều 16 thông tư 92/2015/TT-BTC về sửa đổi bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 điều 11 thông tư số: 111/2013/TT-BTC ( Nội dung điểm a và b khoản 2 điều 11 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định đối với: thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán) để yêu cầu công ty chúng tôi theo cách tính sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1% Tôi có vài câu hỏi xin hỏi như sau: 1/ Công ty chúng tôi tối đa có 07 cổ đông và vốn điều lệ 60 tỷ, làm thế nào để xác định là không phải áp dụng các quy định chứng khoán, có niêm yết hoặc không niêm yết hay không? 2/ Làm thế nào để xác định công ty có các giao dịch là cổ phiếu, chứng khoán có niêm yết hoặc không niêm yết? 3/ Làm thế nào để xác định công ty chúng tôi là công ty chỉ có các giao dịch chuyển nhượng vốn góp? 4/ Trường hợp kê khai đối với loại thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp từ tháng 05 năm 2017 và tháng 08 năm 2018 vậy theo quy định hướng dẫn cá nhân hoặc doanh nghiệp kê khai thay theo mẫu kê khai nào là đúng? 5/ Vì kê khai trễ so với quy định là 10 ngày sau khi có phát sinh chuyển nhượng, vậy đối với Doanh nghiệp hay cá nhân có bị phạt hay không? Cụ thể bị phạt như thế nào? Xin Qúy cơ quan trả lời và hướng dẫn để công ty chúng tôi có thể nắm bắt và thực hiện theo quy định của pháp luật. Trân trọng!
17/04/2019
Trả lời:

Căn cứ Điều 110 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014; quy định Công ty cổ phần:

“1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.”;

Căn cứ Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/06/2006;

- Tại Điều 6 quy định giải thích từ ngữ:

“Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

17. Niêm yết chứng khoán là việc đưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán.

…”;

- Tại Điều 25 quy định Công ty đại chúng:

“1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây:

a) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;

b) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;

c) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.

2. Công ty cổ phần theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng.”

Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán số 70/2006/QH11:

3. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 5, 13, 20, 22, 23 và 26; bổ sung các khoản 8a, 12a và 27a Điều 6 như sau:

“1. Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

...”;

Căn cứ Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực từ ngày 01/07/2013);

- Tại Khoản 4 Điều 3 quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.”;

- Tại Khoản 2 Điều 17 quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:

2. Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm áp dụng đối với trường hợp đối tượng nộp thuế, có chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế quy định tại Điều 16 Nghị định này. Đối với các trường hợp khác ngoài trường hợp trên, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.”;

Căn cứ Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập cá nhân (TNCN); quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

“Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm: ...

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

...”;

Căn cứ Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh;

- Tại Điều 16 sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

“...

b) Thuế suất và cách tính thuế:

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

...”;

- Tại Điều 21 Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư số 156/2013/TT-BTC) như sau:

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16

“5. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

a) Nguyên tắc khai thuế

a.1) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của Công ty đại chúng giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

a.2) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:

- Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

- Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

a.3) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thuộc trường hợp nêu tại tiết a.1 và tiết a.2 khoản này khai thuế theo từng lần phát sinh.

a.4) Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán khai thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn thể hiện người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng chứng khoán.

b) Hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế hướng dẫn tại tiết a.3 khoản này gồm:

- Tờ khai mẫu số 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;

- Bản chụp Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế

Cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế từng lần phát sinh nêu tại điểm a.3 khoản này nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán mà cá nhân chuyển nhượng.

d) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.

đ) Thời hạn nộp thuế

Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.”.

Căn cứ Điều 7 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều này).”;

Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 31/2013/QH13, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 70/2014/QH13, Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 21/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13:

“3. Khoản 1 Điều 106 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Căn cứ các quy định trên, theo trình bày của Bà Nguyễn Thị Thi Ngân tại phiếu hỏi đáp số: 030419-3 ngày 03/04/2019 thì:

1/- Công ty CP Đầu Tư và Xây dựng Khang Đức không đủ điều kiện là công ty CP đại chúng do không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 25 Luật chứng khoán số 70/2006/QH11;

   - Công ty CP Đầu Tư và Xây dựng Khang Đức là công ty cổ phần theo quy định tại Điều 110 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13;

   - Về chứng khoán có niêm yết hoặc không niêm yết quy định tại khoản 17 Điều 6 Luật chứng khoán số 70/2006/QH11;

   - Phải áp dụng các quy định chứng khoán theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên.

2/- Giao dịch về cổ phiếu quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên;

   - Về chứng khoán có niêm yết hoặc không niêm yết quy định tại khoản 17 Điều 6 Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 nêu trên.

3/- Giao dịch chuyển nhượng vốn góp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên.

4/- Kê khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp từ tháng 05/2017 và tháng 08/2018 được thực hiện theo quy định khai thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên:

   Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế hướng dẫn tại tiết a.3 khoản này gồm:

   - Mẫu kê khai: Tờ khai mẫu số 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;

   - Bản chụp Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

5/- Kê khai trễ so với quy định là 10 ngày sau khi có phát sinh chuyển nhượng bị xử phạt như sau:

    - Phạt tiền mức phạt 700.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày

    - Người nộp thuế nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Gửi phản hồi: