Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính, Đơn vị tôi là đơn vị dự toán cấp 3 trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP - Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 tự bảo đảm 1 phần chi thường xuyên (tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên), có hoạt động dịch vụ (cho thuê 1 phần toà nhà theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP). Dự toán được giao năm 2025 cho sự nghiệp phát thanh thuộc kinh phí thường xuyên giao tự chủ và kinh phí thường xuyên giao không tự chủ. Trong dự toán giao không tách và nêu rõ được phần kinh phí hỗ trợ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và hỗ trợ hoạt động chung của đơn vị. Tôi xin hỏi một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng TK hạch toán tại đơn vị như sau: 1. Hạch toán doanh thu: Theo nguyên tắc hạch toán TK 511: Tại mục 1.1a: Kinh phí NSNN giao cho đơn vị có bản chất là kinh phí tự chủ tài chính, gạch đầu dòng 2 có ghi: “Kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên trong năm của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nhưng chưa đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15, Nghị định 60/2021/NĐ-CP”. Theo nguyên tắc hạch toán TK 531: Mục 1.2a: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, doanh thu phản ánh vào TK này bao gồm: Doanh thu từ dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách, bao gồm cả phần đợn vị tự tổ chức thu và kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN; trường hợp dự toán ngân sách nhà nước được giao không tách và nêu rõ được phần kinh phí hỗ trợ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và hỗ trợ hoạt động chung của đơn vị thì không ghi nhận doanh thu vào TK này”. Như vậy xét về nguyên tắc hạch toán doanh thu nêu trên, đơn vị tôi sử dụng TK 511 để phản ánh doanh thu từ kinh phí NSNN cấp cho đơn vị trong năm. 2. Hạch toán chi phí: TK 612: Nguyên tắc ghi TK này chỉ áp dụng đối với cơ quan nhà nước và các đơn vị khác không có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ phải sử dụng các TK chi phí phù hợp (TK 154, 641, 642,…) mà không hạch toán vào TK này. TK 642: “TK này để phản ánh các chi phí quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ”. Tuy nhiên khi nghiên cứu phương pháp hạch toán TK 642 tôi không thấy bút toán hạch toán đồng thời Có 008 khi phản ánh các khoản chi phí dùng NSNN trong năm của đơn vị sự nghiệp công mà bút toán có TK 008 được hạch toán đồng thời ở TK 531. VD khi đơn vị rút thực chi trên cơ sở khối lượng đã nghiệm thu, căn cứ giấy rút dự toán ghi: Nợ TK 112, 331…/ Có TK 531 đồng thời ghi Có TK 008. Như vậy nếu dùng TK 642 để hạch toán chi phí đơn vị sẽ không hạch toán được Có TK 008 để phục vụ quyết toán kinh phí đã sử dụng trong năm vì đơn vị không thuộc đối tượng hạch toán doanh thu vào TK 531. Còn nếu dùng TK 612 để hạch toán chi phí trong kỳ lại vi phạm nguyên tắc không sử dụng TK này cho đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động dịch vụ. Vậy trong trường hợp này đơn vị sử dụng TK nào để hạch toán chi phí và quyết toán được kinh phí ngân sách cấp? Theo ý hiểu của tôi, hai TK 531 và 642 phù hợp với đơn vị sự nghiệp công (từ nhóm 2, NĐ 60/2021/NĐ-CP trở lên chẳng hạn) và dùng để phản ánh các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị (như hoạt động cho thuê trụ sở của đơn vị tôi), có đúng không? Còn đối với cơ quan nhà nước và đơn vị khác không có hoạt động KDDV, đơn vị sự nghiệp công có hoạt động DV từ nhóm 3 trở xuống sẽ sử dụng TK 511 và 612 để phản ánh doanh thu và chi phí có đúng không? Kinh mong Bộ Tài chính giải đáp. Trân trọng cảm ơn!
05/05/2025
Trả lời:

         Trả lời câu hỏi mã số 250425-12 của Quý độc giả Vũ Thị Minh Phương, (email: minh.connections@gmail.com) về kế toán doanh thu và chi phí theo quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

          1. Về kế toán doanh thu

          Tại Phụ lục I Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định:

-  Nguyên tắc kế toán tài khoản 511- Doanh thu từ kinh phí NSNN cấp:

“Tài khoản này sử dụng để phản ánh doanh thu từ kinh phí NSNN cấp cho hoạt động của đơn vị trong năm (trừ kinh phí NSNN giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc hỗ trợ thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của đơn vị sự nghiệp công lập), bao gồm:

          a) Kinh phí NSNN giao cho đơn vị trong năm có bản chất là kinh phí tự chủ tài chính:

….

- Kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên trong năm của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nhưng chưa bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; bao gồm cả trường hợp dự toán ngân sách giao cho đơn vị không tách được phần hỗ trợ chi thường xuyên và kinh phí hỗ trợ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN;

          - Nguyên tắc kế toán tài khoản 531- Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ:

1.2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, doanh thu phản ánh vào tài khoản này bao gồm:
a) Doanh thu từ dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách, bao gồm cả phần do đơn vị tự tổ chức thu và kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN; trường hợp dự toán ngân sách được giao không tách và nêu rõ được phần kinh phí hỗ trợ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và hỗ trợ hoạt động chung của đơn vị thì không ghi nhận doanh thu vào tài khoản này.

          Căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp dự toán NSNN được giao không tách và nêu rõ phần kinh phí hỗ trợ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và hỗ trợ hoạt động chung của đơn vị của đơn vị thì đơn vị ghi nhận doanh thu trên Tài khoản 511- Doanh thu từ kinh phí NSNN cấp. Việc hạch toán doanh thu đối với kinh phí NSNNN cấp trong năm trên TK 511 được thực hiện theo nguyên tắc ghi nhận doanh thu không trao đổi (theo giao dịch có điều kiện và giao dịch không có điều kiện).

          Trường hợp đơn vị tách được kinh phí NSNN hỗ trợ hoạt động chung của đơn vị và kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thì đối với phần kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN phải hạch toán vào Tài khoản 531- Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Việc hạch toán doanh thu trên TK 531 được thực hiện theo nguyên tắc ghi nhận doanh thu trao đổi.

          2. Về kế toán chi phí

           Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định nguyên tắc kế toán tài khoản 612- Chi phí hoạt động giao tự chủ: “Tài khoản này chỉ áp dụng đối với cơ quan nhà nước và các đơn vị khác không có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; dùng để phản ánh chi phí trong kỳ của các hoạt động mà đơn vị được giao tự chủ tài chính, được khoán chi…. Các đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải sử dụng các tài khoản chi phí phù hợp (tài khoản 154, 641, 642,…) mà không hạch toán chi phí vào tài khoản này.”

Do đặc điểm hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là cung cấp dịch vụ công nên kế toán phải phân bổ được chi phí cho hoạt động trực tiếp cung cấp dịch vụ và hoạt động gián tiếp (quản lý chung) để đảm bảo cung cấp thông tin cho nhà quản lý, phục vụ quản trị, điều hành các hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng các tài khoản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ (TK 154, TK 632, TK 641, TK 642) để phản ánh các chi phí cho hoạt động giao tự chủ theo đúng nguyên tắc kế toán của từng tài khoản (không sử dụng Tài khoản 612), trong đó:

+ Các chi phí liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (gồm chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp; chi phí chung của bộ phận trực tiếp cung cấp dịch vụ) được phản ánh trên TK 154- Chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ dở dang để phục vụ tính giá thành dịch vụ. Giá thành thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành cung cấp trong kỳ được kết chuyển từ TK 154 sang TK 632- Giá vốn hàng bán (bút toán Nợ TK 632/Có TK 154).

+ Chi phí của các bộ phận quản lý các hoạt động chung của đơn vị được phản ánh trên Tài khoản 642- Chi phí quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; …

3. Thông tư 24/2024/TT-BTC chỉ hướng dẫn phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu theo từng tài khoản kế toán, vì vậy, đề nghị quý độc giả nghiên cứu nguyên tắc kế toán các tài khoản để đảm bảo phản ánh đầy đủ số liệu theo nghiệp vụ phát sinh trên các tài khoản kế toán phù hợp. Trường hợp nêu tại thư hỏi của độc giả, khi đơn vị rút dự toán NSNN để chi tiêu cho các hoạt động, thì ngoài hạch toán trên tài khoản trong bảng, đơn vị phải hạch toán đồng thời trên tài khoản ngoài bảng (ghi: Có TK 008-Dự toán chi hoạt động (chi tiết)).

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị độc giả nghiên cứu kỹ nội dung Thông tư 24/2024/TT-BTC để thực hiện đúng quy định./.

Gửi phản hồi: