Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính! Tôi hiện đang làm việc tại Sở Tài chính Bắc Ninh. Tôi có một vấn đề liên quan đến chính sách cấp bù lãi suất ưu đãi cho Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, mong muốn Bộ Tài chính hướng dẫn như sau: Thực hiện các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định về việc cho các doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ ĐTPT Bắc Ninh đến nay với lãi suất 0% và phải cấp bù lãi suất. Từ năm 2016 đến năm 2018, Sở Tài chính đã thực hiện cấp bù chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và lãi suất chỉ định cho vay của UBND tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, chưa thực hiện cấp bù, Quỹ ĐTPT Bắc Ninh đang hạch toán phải thu. Ngày 18.12.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2021 đã không còn quy định việc cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, theo Điều 54 của Nghị định cho phép chuyển tiếp cho đến hết thời hạn hợp đồng. “Điều 54. Điều khoản chuyển tiếp 1. Các dự án cho vay, đầu tư đã được ký kết trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP cho đến hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các hợp đồng này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.” Thực hiện mục 4 Công văn số 12845/BTC-TCNH ngày 06.12.2022 của Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thành lập Quỹ ĐTPT chỉ đạo Quỹ triển khai: “Đối với các Quỹ ĐTPT đang được UBND thực hiện chính sách cấp bù lãi suất ưu đãi phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”. Sở Tài chính đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh kết quả rà soát như sau: Không thực hiện quyết định phân bổ kinh phí ngân sách để tiếp tục cấp bù lãi suất đối với các dự án cho vay từ Quỹ ĐTPT do không phù hợp với Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Vậy cho phép tôi hỏi: Trường hợp UBND tỉnh quyết định không tiếp tục cấp bù lãi suất thì việc xử lý số phải thu của Quỹ ĐTPT Bắc Ninh (từ năm 2019 đến nay) có được áp dụng khoản 6 Điều 6 Thông tư 86/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: “6. Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì Quỹ hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.” hay không?. Trình tự, thủ tục xử lý số phải thu nêu trên được thực hiện như thế nào?. Mong sớm nhận được hướng dẫn, trả lời của Quý Bộ để địa phương thực hiện. Trân trọng cảm ơn Quý Bộ!
23/08/2023
Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25/2/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của quỹ đầu tư phát triển địa phương (Thông tư số 28):

1.Quỹ xây dựng và trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt Quy chế cho vay để quản lý các khoản cho vay theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP.

2. Quy chế cho vay phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP , Nghị định số 37/2013/NĐ-CP và bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Lĩnh vực, đối tượng và điều kiện cho vay đối với từng hình thức cho vay, bao gồm: trực tiếp cho vay, ủy thác cho vay và cho vay hợp vốn; b) Thời hạn, lãi suất, giới hạn cho vay đối với từng hình thức cho vay; quyền và trách nhiệm của các bên;…d) Hình thức đảm bảo tiền vay, cơ chế quản lý tài sản đảm bảo;…e) Quy trình giải ngân, giám sát các khoản cho vay và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; g) Quy trình và thẩm quyền xử lý rủi ro.”

- Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 28 quy định:Hàng năm, Quỹ có trách nhiệm báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo quyết toán chênh lệch thu chi.

 - Khoản 6 Điều 6 Thông tư 86/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/10/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Qũy ĐTPT địa phương (Thông tư 86): “6. Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì Quỹ hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.”

- Khoản 6 Điều 9 Thông tư 86 quy định:Hàng năm, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo quyết toán chênh lệch thu chi sau khi báo cáo tài chính năm của Quỹ đã được kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP.

-Khoản 1 Điều 22 Thông tư 86 quy định: Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2021 và áp dụng cho năm tài chính 2021.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 209/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với quỹ ĐTPT địa phương (hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025 theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 90/2021/TT-BTC ngày 13/10/2021 của Bộ Tài chính) và Thông tư số 90/2021/TT-BTC ngày 13/10/2021 hướng dẫn kế toán áp dụng cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Theo đó, đề nghị độc giả nghiên cứu các quy định pháp luật nêu trên để tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.

Gửi phản hồi: