Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty SASA TPHCM đang chuẩn bị tờ khai nhập khẩu một lô hàng từ Công ty SK (Hàn Quốc) bao gồm 2 mặt hàng. Hóa đơn thương mại ghi có 30 sản phẩm X đơn giá 3000 USD/chiếc và 1000 thùng sản phẩm Y đơn giá 36 USD/thùng (thùng 24 chai 750ml). Phí vận tải quốc tế 9360 USD, phí bảo hiểm quốc tế 820 USD cho toàn bộ lô hàng từ Busan (Hàn Quốc) về TPHCM (Việt Nam). Liên quan đến lô hàng này, Công ty SASA đã trả 1,5% trị giá hóa đơn của lô hàng cho 1 công ty môi giới ở Seoul để kết nối và đảm bảo cho giao dịch thành công. Theo quy định của hợp đồng, Công ty SASA phải trả 1% trị giá hóa đơn của mặt hàng X cho Công ty FRANCE ở Pháp vì đây là công ty quản lý thương hiệu mặt hàng X. Một số khoản phí do nhà chuyên chở nước ngoài thu trực tiếp hoặc gián tiếp bao gồm: Ở cảng Busan (Hàn Quốc): phí xếp dỡ hàng (THC) Busan 252 USD Ở cảng Cát Lái (Việt Nam): - Phí THC Saigon 180 USD - Phụ phí xăng dầu (Fuel surcharge) 168 USD Trong quá trình chuyên chở từ Busan về TPHCM, lô hàng gặp tai nạn và phát sinh tổn thất. Biên bản giám định hợp lệ ghi nhận tổn thất như sau: - 8 sản phẩm X bị tổn thất 15%/sản phẩm - 05 sản phẩm X bị tổn thất 20%/sản phẩm - Sản phẩm Y bị mất 10 thùng và bị vỡ 40 thùng, còn lại 60 chai (của 40 thùng vỡ). Chi phí giám định của lô hàng là 15 triệu đồng do Công ty nhập khẩu trả cho SGS Vietnam (chưa bao gồm thuế GTGT). Giả sử Công ty nhập khẩu có chứng từ đầy đủ cho các thông tin trên. Số tiền thuế NK và NK bổ sung mà Công ty nhập khẩu phải cho nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu tại TPHCM trong trường hợp trên được tính như thế nào? Trân trọng cảm ơn.
17/07/2023
Trả lời:

Căn cứ Điều 8 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định về trị giá tính thuế, thời điểm tính thuế;

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan;

Căn cứ Điều 21 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan;

Căn cứ Điều 22 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu hải quan;

Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu; phương pháp giao dịch trị giá;

Căn cứ Điều 13, Điều 15 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định các khoản được điều chỉnh cộng, các khoản được điều chỉnh trừ;

Căn cứ các quy định nêu trên, trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan. Trong đó, trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này

Đề nghị Quý Công ty căn cứ vào hồ sơ thực tế và đối chiếu với quy định nêu trên để xác định và kê khai trị giá hải quan theo đúng quy định. Trường hợp nếu tiếp tục có vướng mắc, Quý Công ty có thể liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan để được hướng dẫn chi tiết.

Gửi phản hồi: