Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính Tôi hiện đang công tác tại đơn vị là Bệnh viện công lập hạng 1, tự đảm bảo chi thường xuyên. Hiện Bệnh viện tôi đang thực hiện kê khai thuế theo hình thức trực tiếp trên doanh thu đối với các dịch vụ xã hội hóa và các dịch vụ khác. Năm 2021, Bệnh viện tôi đã được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện triển khai hoạt động tiêm chủng Trong quá trình xây dựng giá tiêm chủng, Bệnh viện thực hiện theo thông tư số 240/2016/TT-BTC, tuy nhiên trong quá trình xây dựng cơ cấu giá Bệnh viện có gặp phải một số vướng mắc như sau: - Tại khoản 2 Điều 3 thông tư 240/2016/TT-BTC có quy định: “Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp y tế công lập không sử dụng ngân sách nhà nước được quyết định mức giá cụ thể dịch vụ do đơn vị cung ứng và không cao hơn mức giá tối đa quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này” - Tại khoản 1 Điều 2 thông tư 240/2016/TT-BTC có quy định: “ Giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng quy định tại Thông tư này là giá không có thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng và văn bản sửa đổi, bổ sung” ¬¬- Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn đối tượng không chịu thuế GTGT: “Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, ......”. Vì vậy dịch vụ tiêm chủng không phải là dịch vụ chịu thuế GTGT Như vậy cơ cấu giá dịch vụ tiêm vaccine sẽ bao gồm giá mua vaccine và mức giá tối đa quy định tại Chương V, phần A của phụ lục kèm theo thông tư 240/2016/TT-BTC (Ví dụ: Đối với vaccine Gardasil; Inj 0,5 ml (tiêm bắp) thì giá nhập vaccine là 1.509.600 đồng, mức giá tối đa đối với tiêm bắp là 10.000 đồng, như vậy giá dịch vụ tiêm chủng đối với vaccine này là 1.519.600 đồng) Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính thì dịch vụ tiêm chủng của Bệnh viện thuộc đối tượng chịu thuế TNDN với mức thuế suất là 2%/doanh thu Tuy nhiên với mức giá ở ví dụ trên (giá tiêm vaccine Gardasil; Inj 0,5 ml) thì số tiền thuế TNDN phải nộp là 1.519.600 đồng * 2% = 30.392 đồng. Số tiền thuế TNDN phải nộp này lớn hơn mức giá tối đa quy định tại thông tư 240/2016/TT-BTC là 10.000 đồng (đối với tiêm bắp). Như vậy mức giá tối đa quy định tại thông tư 240/2016/TT-BTC là không đủ bù đắp chi phí về thuế TNDN và bệnh viện phải nộp Vì vậy mong Quý Bộ giải đáp một số thắc mắc của Bệnh viện cụ thể như sau: 1. Giá dịch vụ tiêm chủng mà Bệnh viện xây dựng trong ví dụ trên đã đúng theo quy định của pháp luật hay chưa? Trong cơ cấu giá của dịch vụ tiêm chủng ngoài giá nhập và mức giá tối đa quy định tại thông tư 240/2016/TT-BTC thì Bệnh viện có thể xây dựng thêm nội dung chi phí nào vào cơ cấu giá dịch vụ tiêm chủng nữa không? 2. Nếu không được thêm tiền thuế TNDN phải nộp vào cơ cấu giá của dịch vụ tiêm chủng mong Quý Bộ có hướng dẫn cụ thể để Bệnh viện có thể tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng giá. Tôi xin trân trọng cảm ơn
05/12/2022
Trả lời:

1. Theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; Bộ Y tế quy định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 240/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 51/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 240/2016/TT-BTC quy định: “1. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ vào mức giá tối đa quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này để quy định mức giá cụ thể dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại các cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. 2. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp y tế công lập không sử dụng ngân sách nhà nước được quyết định mức giá cụ thể dịch vụ do đơn vị cung ứng và không cao hơn mức giá tối đa quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này”. 

Theo ý kiến của độc giả thì “đơn vị là Bệnh viện công lập hạng 1, tự đảm bảo chi thường xuyên”, theo đó, đơn vị thực hiện thu giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng theo quy định giá cụ thể theo quy định tại Thông tư số 51/2016/TT-BYT nêu trên và không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 240/2016/TT-BTC.

Theo quy định tại Thông tư số 240/2016/TT-BTC thì giá dịch vụ chích ngừa không bao gồm tiền vắc xin.

2. Theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì trường hợp dịch vụ tiêm chủng là dịch vụ y tế thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Căn cứ quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật (trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập) có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất; trường hợp các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN. Đối với hoạt động y tế, tỷ lệ này là 2%.

Ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 55/TB -VPCP thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo Chính phủ: “(1) Về thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế. (2) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TW về tiếp tục đổi mới hệ thống chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, hoàn thiện chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khuyến khích các đơn vị này tự chủ tài chính và có tích lũy cho đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế.”

Căn cứ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 551/TB-VPCP ngày 28/11/2017 của Văn phòng Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành.

          Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN trong đó có nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế nhằm khuyến khích các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính và có tích lũy đầu tư. Việc sửa đổi Luật thuế sẽ được thực hiện theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội. 

undefined
Gửi phản hồi: