Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính, Tôi có câu hỏi sau liên quan đến Thông tư số 48/2019/TT-BTC. Đơn vị (công ty cổ phần) tôi có trường hợp nhân viên gian lận trong công tác và bị đơn vị khởi kiện ra Tòa án. Tòa án đã có phán quyết yêu cầu phạt tù với nhân viên (hiện vẫn đang thi hành án) và yêu cầu nhân viên bồi thường. Do nhân viên này đang bị giam giữ, không có nguồn gì để trả tiền bồi thường, đơn vị tôi xác định đây là khoản phải thu khó đòi. Tuy nhiên, do là phải thu từ nhân viên cũ theo QĐ của Tòa án nên không có các chứng từ gốc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 48 như: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ. Vậy chúng tôi có phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với trường hợp này không? Trường hợp không trích lập thì số tiền tổn thất do không thu được bồi thường (khi có quyết định đình chỉ thi hành án) có được ghi nhận vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? Trân trọng cảm ơn.
15/06/2022
Trả lời:

1. Tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp quy định:

Điều 3. Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng

1. Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm…

Điều 6. Dự phòng nợ phải thu khó đòi

           1. Đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn, đồng thời đảm bảo điều kiện sau:

a) Phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, bao gồm:

          - Một trong số các chứng từ gốc sau: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ;

          - Bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

          - Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);

         - Bảng kê công nợ;

         - Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

          b) Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

          - Nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 06 tháng trở lên (tính theo thời hạn trả nợ gốc ban đầu theo hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác, không tính đến thời gian gia hạn trả nợ giữa các bên), doanh nghiệp đã gửi đối chiếu xác nhận nợ hoặc đôn đốc thanh toán nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ.

          - Nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định đối tượng nợ có khả năng không trả được nợ đúng hạn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này....

          c) Đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định tổ chức kinh tế đã phá sản, đã mở thủ tục phá sản, đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh; đối tượng nợ đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận của bệnh viện) hoặc đã chết hoặc khoản nợ đã được doanh nghiệp yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú; khoản nợ đã được doanh nghiệp khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án thì doanh nghiệp tự dự kiến mức tổn thất không thu hồi được (tối đa bằng giá trị khoản nợ đang theo dõi trên sổ kế toán) để trích lập dự phòng.”

          Căn cứ vào các quy định nêu trên việc trích lập dự phòng phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị độc giả nghiên cứu và thực hiện theo đúng quy định./.


Gửi phản hồi: