Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi có 1 số vướng mắc liên quan đến lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp (Mẫu B03b/BCTC) ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC. Đối với 1 số nghiệp vụ liên quan đến tài sản cố định, nghiệp vụ nào sẽ lên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp, nghiệp vụ nào không lên và số liệu lên thì sẽ vào chỉ tiêu nào: 1. Mua sắm TSCĐ từ quỹ phúc lợi: Nợ TK 211/Có TK 111,112 Đồng thời: Nợ TK 43121/Có TK 43122 2. Mua TSCĐ từ nguồn phí khấu trừ để lại: Nợ TK 211/Có TK 112 Nợ TK 3373/Có TK 3663 Có TK 014 3. Trích KH TSCĐ dùng cho hoạt động thu phí: Nợ TK 614/Có TK 214 Nợ TK 3663/Có TK 514 4. Thanh lý TSCĐ (mua từ nguồn NSNN cấp): Nợ TK 214 (Giá trị HM lũy kế) Nợ TK 3661 (Giá trị còn lại) Có TK 211 (Nguyên giá) 5. TSCĐ mua từ nguồn NSNN cấp chuyển thành CCDC (giá trị còn lại nhỏ): Nợ TK 214 (Giá trị HM lũy kế) Nợ TK 611 (Giá trị còn lại) Có TK 211 (Nguyên giá) Đồng thời, kết chuyển: Nợ TK 3661/Có TK 511 6. TSCĐ mua từ nguồn NSNN cấp chuyển thành CCDC (giá trị còn lại lớn): Nợ TK 2141 (Giá trị HM lũy kế) Nợ TK 242 (Giá trị còn lại) Có TK 211 (Nguyên giá) Định kỳ phân bổ giá trị còn lại của TS chuyển thành CCDC: Nợ TK 611/Có TK 242 Đồng thời: Nợ TK 366/Có TK 511 7. TSCĐ nguồn vốn kinh doanh chuyển thành CCDC (giá trị còn lại nhỏ): Nợ TK 214 (Giá trị hao mòn lũy kế) Nợ TK 154, 642 (Giá trị còn lại) Có TK 211 (Nguyên giá) 8. TSCĐ mua bằng nguồn vốn kinh doanh chuyển thành CCDC (giá trị còn lại lớn): Nợ TK 214 (Giá trị hao mòn lũy kế) Nợ TK 242 (Giá trị còn lại) Có TK 211 (Nguyên giá) Định kỳ, phân bổ giá trị còn lại vào chi phí: Nợ TK 154/Có TK 242 Rất mong nhận được hồi âm sớm từ Quý Bộ. Tôi xin chân thành cảm ơn!
24/05/2019
Trả lời:


Theo quy định tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC (Phụ lục 04) một trong các nguyên tắc trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Luồng tiền trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là luồng vào và luồng ra của tiền. Tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ và tiền gửi không kỳ hạn. Các luồng tiền không bao gồm các chuyển dịch nội bộ giữa các khoản tiền trong đơn vị. Đơn vị được lựa chọn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp.

Phương pháp gián tiếp được thực hiện bằng việc điều chỉnh thặng dư, thâm hụt để xác định dòng tiền; do các khoản mục không bằng tiền (phi tiền tệ) có ảnh hưởng đến thặng dư, thâm hụt nhưng không phát sinh dòng tiền nên cần phải điều chỉnh để xác định dòng tiền thực. 

Tại phụ lục 04 hướng dẫn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp gián tiếp: Phương pháp gián tiếp là phương pháp trong đó số thặng dư/ thâm hụt trong năm điều chỉnh cho ảnh hưởng của các giao dịch không bằng tiền và bất kỳ khoản hoãn lại hoặc dồn tích của các khoản thu hoặc chi trong tương lai và các khoản thu hoặc chi gắn liền với hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động chính được xác định bằng cách lấy số thặng dư/ thâm hụt trong năm điều chỉnh cho các khoản sau đây:

- Các khoản mục không bằng tiền như khấu hao TSCĐ trong năm, lãi lỗ do chênh lệch tỷ giá,... 

- Tất cả các khoản mục khác ảnh hưởng đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

- Các thay đổi trong hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả trong kỳ.

Căn cứ theo quy định nêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính lập theo phương pháp gián tiếp sẽ không trực tiếp xác định cụ thể bút toán nào được lấy số liệu vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Đơn vị lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động chính cũng phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động chính trong năm báo cáo và đảm bảo số liệu lập từ 2 phương pháp phải khớp đúng với nhau.