Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Đơn vị tôi là đơn vị Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Tôi đang hạch toán khấu hao TSCĐ theo thông tư 107/207/TT-BTC và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính như sau: Căn cứ quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí, Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn: TK 6143- Chi phí khấu hao TSCĐ phản ánh chi phí về khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động thu phí, lệ phí; Vì vậy trong trường hợp của đơn vị TSCĐ phục vụ cho việc thu phí, lệ phí được đầu tư mua sắm từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, khi trích khấu hao hạch toán như sau: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động thu phí, ghi : Nợ TK 614 (6143)/Có TK 214 Cuối năm, đơn vị kết chuyển số khấu hao đã trích trong năm của TSCĐ hình thành bằng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, ghi: Nợ TK 431 (43142)/ Có TK 431 (43141) Trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước không có tiểu mục khấu hao tài sản cố định. Xin Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định vào mục, tiểu mục nào?
08/07/2021
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán mục lục ngân sách đối với bút toán khấu hao tài sản cố định phục vụ thu phí, lệ phí. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước.

2. Khấu hao TSCĐ:

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 2, Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định “Khấu hao tài sản cố định là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian trích khấu hao của tài sản cố định”.

Như vậy khấu hao là việc chuyển dịch giá trị của tài sản vào giá thành của sản phẩm, dịch vụ. Việc trích khấu hao TSCĐ nhằm tính đủ chi phí về tài sản để thu hồi lại giá trị TSCĐ đã sử dụng thông qua giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, theo đó khấu hao không phải là khoản chi bằng tiền, như vậy không phải khoản chi cần được hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

 

Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.