(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn) - Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, qua 2 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước vẫn đạt thấp, thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Để “tiêu” hết số vốn được giao, các địa phương đang tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh, đặc biệt là kiên quyết xử lý nghiêm khắc các đơn vị chậm trễ trong việc giải ngân.

"Siêu dự án" đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh tư liệu
Quyết liệt, kịp thời giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 18/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2025.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đạt tỷ lệ trên 95%.
Quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn 591/ UBND-KTTH yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; giám đốc các ban quản lý; chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố nghiêm túc thực hiện các công việc, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra.
Với kế hoạch vốn ĐTC được phân bổ trong năm 2025 là trên 81.392 tỷ đồng, tăng gần 359 tỷ đồng so với năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII và các chương trình, nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố.
Theo đó, ngoài các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, công văn của UBND TP. Hà Nội đã nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc phân bổ và giải ngân vốn ĐTC, nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Đối với tỉnh Bình Thuận, năm nay đặt mục tiêu bứt phá giải ngân vốn ĐTC. Theo đó, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn phải khẩn trương xây dựng chi tiết kế hoạch cho từng tháng, từng quý, cả năm theo mục tiêu chung của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận đã phân công lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm theo dõi, lên kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án cũng như bám sát tiến độ của từng nhiệm vụ, dự án để kịp thời chỉ đạo, xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan trong việc chậm thực hiện, giải ngân nguồn vốn được giao. Kiên quyết thay thế giám đốc ban quản lý dự án, nhà thầu không đủ năng lực; tập trung tối đa thời gian thi công các dự án…
Biến áp lực thành động lực
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong tháng 1/2025, cả nước giải ngân được trên 10.382 tỷ đồng, đạt 1,18% kế hoạch; đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ một nửa cùng kỳ năm 2024 (đạt 2,26% kế hoạch và 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Ước hết tháng 2/2025, tỷ lệ giải ngân của cả nước ước đạt 6,9% kế hoạch và đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, so với kết quả giải ngân của tháng 1 thì tháng 2 cả nước đã giải ngân được lượng vốn tăng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2024 vẫn thấp hơn (đạt 7,7% kế hoạch và đạt 8,07% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 8,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với cùng kỳ năm 2024 đạt 8,36%. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách trung ương mới đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 7,52%.
Có thể thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, ĐTC đã được coi là động lực cho tăng trưởng và để vực dậy nền kinh tế. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra mục tiêu cho mỗi năm phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% trở lên.
Năm 2025, mục tiêu của Chính phủ đặt ra vẫn là giải ngân đạt trên 95%. Đây vừa là áp lực, vừa là động lực cho các bộ, ngành, địa phương. 2025 cũng là năm cuối giai đoạn ĐTC trung hạn 2021 – 2025, do đó, giải ngân hết số vốn của năm 2025 và của các năm trước kéo dài sang sẽ giúp phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như của cả nước.
Biến áp lực thành động lực để triển khai các công việc, phục vụ cho công tác giải ngân, ngoài nỗ lực thực hiện các giải pháp và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các đơn vị để chậm giải ngân, các địa phương kiên quyết loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, cắt giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới. Đây được cho là những tín hiệu tích cực giúp công tác giải ngân vốn ĐTC từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch như Thủ tướng Chính phủ đặt ra./.
Vân Hà