Trong bối cảnh phát triển kinh tế và xã hội hiện nay, bảo hiểm sức khỏe ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng. Khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm sức khỏe. Trong đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng có một số cơ hội cũng như thách thức để phát triển sản phẩm bảo hiểm này.
Đông Nam Á đang trải qua sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu dân số với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của bảo hiểm sức khỏe. Điều này tạo ra nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đa dạng và chất lượng. Bên cạnh đó, nhân khẩu học trung bình của khu vực Đông Nam Á đang thay đổi theo thời gian. Theo số liệu từ Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), so với những năm 1990, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi đã tăng lên, được dự báo sẽ đạt gần 20% dân số khu vực Đông Nam Á vào năm 2050 so với mức chỉ hơn 10% vào năm 2020. Ngược lại, nhóm tuổi lao động từ 15 – 64 được dự báo sẽ giảm dần theo thời gian, điều này gây thêm áp lực và nhu cầu cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và chi tiêu y tế công.
(Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 1950 – 2050)
Xu hướng đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ở thị trường Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng đối tượng khách hàng. Các gói bảo hiểm toàn diện và chuyên biệt như bảo hiểm sức khỏe gia đình, bảo hiểm ung thư và các bệnh hiểm nghèo đang trở nên phổ biến. Các công ty bảo hiểm lớn liên tục triển khai các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, có thể kể đến như AIA tại Malaysia đã ra mắt sản phẩm "AIA: A-Plus Health Booster" vào năm 2020, với quyền lợi bổ sung dành cho bệnh nhân ngoại trú và quyền lợi bảo hiểm gia tăng hàng năm lên tới 1,5 triệu RM (tương đương khoảng 8 tỷ VNĐ). Sản phẩm này còn tích hợp "Health Wallet” (Ví Y tế) giúp khách hàng tích lũy điểm thưởng mỗi năm nếu năm đó không phát sinh yêu cầu bồi thường nào, lên đến 10 lần. Số điểm thưởng này có thể được quy đổi để sử dụng cho các quyền lợi về phòng ngừa và phục hồi bệnh tật khác. Tại Thái Lan, "Muang Thai Life: Elite Health Plus" ra mắt vào năm 2023, cung cấp quyền lợi bảo hiểm lên tới 100 triệu THB (tương đương khoảng 70.5 tỷ VNĐ), bao gồm các quyền lợi bổ sung như thai sản (sinh mổ và biến chứng khi mang thai) và chăm sóc sức khỏe toàn diện (bao gồm khám sức khỏe, tiêm chủng, điều trị nha khoa và mắt). Tương tự, Prudential đã giới thiệu "TTB Easy Care Plus" vào năm 2023, triển khai hợp tác thông qua một ngân hàng. Đây là một loại bảo hiểm y tế mới, cung cấp bảo hiểm cho tối đa 5 thành viên trong gia đình với cùng chung mức giới hạn bảo hiểm cho cả quyền lợi nội trú và ngoại trú, với số tiền bảo hiểm lần lượt lên tới 5 triệu THB (tương đương 3.5 tỷ VNĐ) và 2.500 THB (tương đương 1.7 triệu VNĐ) cho mỗi lần thăm khám. FWD tại Thái Lan cũng cho ra mắt sản phẩm "Health Family Sharing" vào năm 2023, cho phép khách hàng linh hoạt mở rộng giới hạn quyền lợi bảo hiểm y tế của họ cho các thành viên trong gia đình, bao gồm cả đối tác LGBTQ+.
(Xu hướng các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình)
Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới còn chú trọng đến tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh, như "FWD Takaful: Medical Care+" ở Malaysia, cho phép khách hàng lựa chọn bảo hiểm toàn bộ hoặc tùy chọn các mức khấu trừ dựa trên khả năng tài chính cá nhân. Một xu hướng đáng chú ý khác là sự chú trọng đến sức khỏe tâm thần. AIA Singapore đã ra mắt "Think Well Program" vào năm 2023, cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần kỹ thuật số toàn diện. FWD tại Thái Lan cũng giới thiệu sản phẩm "Mind Strength" vào năm 2022, cung cấp quyền lợi bổ sung cho bệnh nhân tâm thần sau khi được chẩn đoán mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư xâm lấn, đau tim cấp tính, đột quỵ nặng hoặc suy thận mãn tính. Những xu hướng này cho thấy sự linh hoạt và đa dạng trong các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế tại thị trường Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Insurtech, hay công nghệ bảo hiểm, đang nổi lên như một xu hướng mạnh mẽ trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Tại Malaysia, 28% số doanh nghiệp bảo hiểm đã hợp tác với các công ty khởi nghiệp về công nghệ bảo hiểm từ năm 2016. Singapore được nhận định là cái nôi của công nghệ bảo hiểm, nơi rất nhiều các công ty insurtech ra đời và hoạt động hiệu quả như DirectAsia (nay đã sát nhập vào tập đoàn bảo hiểm Hiscox Insurance), Policy pal,… Các trang thông tin công nghệ bảo hiểm như GoBear và Insurance Market không chỉ được thành lập để phục vụ trong nước tại Singapore mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận như Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Những doanh nghiệp này đang tạo ra một làn sóng công nghệ bảo hiểm mới ngay cả ở các nước mà ngành bảo hiểm truyền thống chưa phát triển mạnh như Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.
(Các công ty Insurtech trong các lĩnh vực)
Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm sức khỏe ghi nhận nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, xuất phát từ những thách thức hiện tại và xu hướng tiêu dùng mới. Một trong những yếu tố chính là sự thiếu hụt hỗ trợ chi phí từ bảo hiểm y tế hiện tại. Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2023, người Việt Nam phải tự chi trả 43% chi phí y tế, cao gấp đôi khuyến cáo của WHO. Chi phí y tế và điều trị ngày càng tăng cao khi người dân trở nên quan tâm hơn đến sức khỏe sau đại dịch COVID-19. Điều này tạo ra nhu cầu rõ rệt đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện, có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho chi phí y tế.
Giai đoạn già hóa dân số cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm sức khỏe. Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2011 và dự kiến sẽ tiến vào giai đoạn “dân số già” vào năm 2036. Sự gia tăng số người cao tuổi đòi hỏi sự tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế phù hợp. Bên cạnh đó, Việt Nam với dân số hơn 96 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Sự quan tâm ngày càng lớn đối với sức khỏe và an sinh xã hội là động lực thúc đẩy phát triển thị trường này. Theo báo cáo của Statista, quy mô thị trường bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,46 tỷ USD vào năm 2024 và 2,06 tỷ USD vào năm 2028, với mức tăng trưởng kép hàng năm 8,99% trong giai đoạn 2024-2028. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tính bằng phí bảo hiểm/GDP) tại Việt Nam trong năm 2022 chỉ ở mức 2,6%. Tới năm 2025, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 3,5%. Với mức độ thâm nhập bảo hiểm thấp, insurtech được kỳ vọng có tiềm năng phát triển lớn trong khu vực. Sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm truyền thống và các công ty Insurtech cũng đang được thúc đẩy tích cực, có thể kể đến như Sun Life Việt Nam hợp tác với Timo để bán các gói bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ qua ứng dụng di động, FWD hợp tác với Tiki để giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ theo hình thức trực tuyến và AIA đưa ra giải pháp số hóa với iMO. Những nỗ lực này hứa hẹn sẽ làm cho thị trường bảo hiểm Việt Nam trở nên sôi động hơn, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tham gia bảo hiểm.
Xu hướng đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm cũng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Năm 2022, Sun Life Việt Nam đã giới thiệu "Song Chat" – sản phẩm bảo hiểm y tế cho cá nhân và gia đình, cho phép thành viên gia đình được thêm vào chương trình bảo hiểm và được chia sẻ phần giới hạn bảo hiểm chưa sử dụng giữa các thành viên, áp dụng cho cả quyền lợi nội trú và ngoại trú. Manulife Việt Nam đã ra mắt "Max Health" vào năm 2021, cung cấp bảo hiểm cho các bệnh hiểm nghèo với hạn mức cao lên tới 2 tỷ đồng, được phân phối qua các kênh kỹ thuật số.
Đặc biệt, Việt Nam đã và đang có những chính sách khuyến khích phát triển ngành bảo hiểm nói chung, đa dạng hóa, phát triển sản phẩm bảo hiểm nói riêng, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng hoạt động và phát triển sản phẩm mới. Với những yếu tố trên, các công ty bảo hiểm có thể tận dụng cơ hội để phát triển và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đa dạng, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí y tế tăng cao và sự gia tăng tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng trục lợi bảo hiểm sức khỏe đang có dấu hiệu gia tăng. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV), từ năm 2007 đến 2013, 6% đến 28% số ca bồi thường bảo hiểm được phát hiện là gian lận, trong đó 93% (tương đương với 520 tỷ đồng) là gian lận bảo hiểm sức khỏe. Tốc độ gia tăng chi bồi thường nhanh hơn đáng kể so với doanh thu phí, làm tăng áp lực lớn lên các công ty bảo hiểm.
(Thách thức về tình trạng trục lợi bảo hiểm sức khỏe)
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm việc trục lợi có tổ chức và thiếu hệ thống phòng chống gian lận hiệu quả. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ nhân viên trong ngành bảo hiểm còn thiếu kỹ năng và chưa được đào tạo theo lộ trình đào tạo cần thiết. Ngoài ra, mặc dù nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe đang tăng, nhưng nhận thức của một bộ phận dân cư về tầm quan trọng của bảo hiểm vẫn còn hạn chế. Thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức của người dân là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này đòi hỏi phải có những chiến lược truyền thông và giáo dục hiệu quả để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, quản lý rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe cũng là một thách thức không nhỏ. Các công ty bảo hiểm cần đầu tư vào hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả và áp dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo lợi nhuận. Điều này bao gồm việc sử dụng công nghệ phát hiện gian lận, cải thiện quy trình bồi thường và đào tạo nhân viên để tăng cường hiệu quả hoạt động.
Để khắc phục các thách thức và thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam, cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm đã tăng cường khung pháp lý và quy định chống gian lận bảo hiểm bằng cách xây dựng và ban hành các quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường giám sát, xử lý các hành vi gian lận. Đồng thời, việc phát triển hệ thống quản lý rủi ro và công nghệ thông tin cũng được khuyến khích đẩy mạnh nhằm giúp các công ty bảo hiểm phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận, cải thiện quy trình bồi thường và tăng hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm được khuyến khích nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân, bao gồm cả bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo, chăm sóc sức khỏe tâm thần và các dịch vụ y tế tiên tiến. Đồng thời, cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm triển khai hợp tác với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực bảo hiểm để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các mô hình quản lý bảo hiểm tiên tiến, tạo ra các cơ hội phát triển mới cho ngành bảo hiểm. Những giải pháp và hành động này không chỉ nhằm khắc phục các thách thức hiện tại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam.
(Cần thiết phát triển hệ thống quản lý rủi ro và công nghệ thông tin)
Xu hướng phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại thị trường Đông Nam Á đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển sản phẩm hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường quản trị rủi ro, phòng, chống trục lợi bảo hiểm và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm sức khỏe. Chỉ khi đó, thị trường bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.