Kinh nghiệm quốc tế về Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Kinh nghiệm quốc tế về Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm 23/07/2024 14:32:00 216

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh nghiệm quốc tế về Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

23/07/2024 14:32:00

Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) là việc đào tạo liên tục, suốt đời để duy trì, phổ cập, bổ sung kiến thức, kỹ năng của những người hành nghề chuyên môn. Đây là quá trình dài hạn, lặp đi lặp lại nhằm đáp ứng kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm bảo chất lượng công việc và thành công của mỗi cá nhân trong thị trường lao động cạnh tranh.

(Phát triển chuyên môn liên tục - CPD)

Để đảm bảo chất lượng hành nghề chuyên môn, các hội nghề nghiệp thường có các quy định cụ thể về CPD (quy ước điều kiện về số điểm CPD tối thiểu hàng năm). Mỗi người hành nghề chuyên môn đáp ứng đơn vị số điểm CPD theo quy định sẽ được duy trì tư cách hội viên của hội nghề nghiệp, đồng thời được minh chứng đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng để được hành nghề. Số điểm CPD có thể được tích lũy thông qua nhiều hình thức, bao gồm: tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, hội nghị, hội thảo, viết sách báo, tạp chí chuyên ngành, tham luận hội nghị, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình chuyên môn, …  Đối với nhiều quốc gia, CPD là yêu cầu bắt buộc đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu như bác sỹ, kỹ sư, chuyên gia tính toán bảo hiểm … đồng thời cũng là điều kiện để được gia hạn, cấp lại, hoặc duy trì tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp đã được xác nhận qua bằng cấp, chứng chỉ.

Tại Việt Nam, CPD hiện không những được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các ngành y tế, luật pháp, giáo dục, kiến trúc sư, … mà còn là yêu cầu bắt buộc, được pháp luật quy định cụ thể. Một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành quy định về CPD có thể kể đến như: Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/08/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế; Nghị định số 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, trong đó có quy định cụ thể về nghĩa vụ phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư được quy định tại Điều 32 Luật Kiến trúc; Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/03/2019 của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, …

Bảo hiểm là một ngành nghề dịch vụ tài chính chuyên môn đặc thù. Pháp luật Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm hiện nay chỉ quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có nghĩa vụ tổ chức đào tạo và cập nhật kiến thức cho đại lý bảo hiểm theo quy định pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 128 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Có thể nói, ngoài các chứng chỉ chuyên môn về bảo hiểm được pháp luật quy định và quy định chung về việc cập nhật kiến thức cho đại lý bảo hiểm, hiện nay thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa hình thành bản đồ phát triển nghề nghiệp chung cho ngành bảo hiểm hoặc cho từng nhóm công việc; cũng như chưa có quy định yêu cầu về CPD. Ngoại trừ các vị trí mà pháp luật yêu cầu cụ thể điều kiện về chứng chỉ, việc thiết lập bản đồ học tập cho nhân viên, yêu cầu đào tạo cho từng vị trí hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của từng doanh nghiệp.

1. Tại Singapore

Căn cứ quy định tại Luật bảo hiểm Singapore, cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS - Monetary Authority of Singapore) đã ban hành Thông báo hướng dẫn các tiêu chuẩn chuyên môn đối với một số vị trí, chức danh công việc trong ngành bảo hiểm trên cơ sở Khung tiêu chuẩn năng lực cần thiết cho 12 lĩnh vực trong ngành tài chính do Viện Ngân hàng và Tài chính (IBF - Institute of Banking and Finance) xây dựng, trong đó bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và các công việc khác trong lĩnh vực tài chính với hơn 50 vị trí việc làm.

(Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore – MAS)

Thông báo của MAS cũng quy định rõ: Đại lý bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khỏe bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về CPD và nhân viên môi giới bảo hiểm được khuyến khích thực hiện CPD như là một nguyên tắc hành nghề.

Đồng thời, các Thông báo của MAS cũng quy định rõ về CPD. Theo đó, CPD là chương trình đào tạo mang tính chất củng cố, cập nhật kiến thức thường xuyên. Cấu trúc CPD bao gồm các bài giảng, hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo có mục tiêu và kết quả học tập rõ ràng, được ghi nhận chính thức các mục tiêu và kết quả học tập đó để có thể xác minh. Hoạt động đào tạo CPD không bao gồm các hoạt động nhằm thực hiện công việc thường xuyên, trừ trường hợp là các buổi hội thảo ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới hoặc các khóa đào tạo trực tuyến. CPD có nội dung đào tạo khác nhau đối với từng nhóm công việc chi phối bởi quy định pháp luật và tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan.

Ngoài ra, những cá nhân đã đạt được Chứng nhận hoàn thành các khóa đào tạo của IBF phải luôn đảm bảo tiếp tục phát triển chuyên môn và đảm bảo rằng kiến thức và kỹ năng của họ luôn cập nhật với sự phát triển, thay đổi của ngành và quy định pháp luật. Theo đó, họ phải đạt số giờ CPD tối thiểu hàng năm là 15 giờ và phải cung cấp được bằng chứng tham gia các nội dung đào tạo này (giấy chứng nhận tham gia/hoàn thành khóa đào tạo, thư giới thiệu hoặc các bản công bố chính thức....).

2. Tại Australia

Các chức danh trong ngành bảo hiểm của Australia phải tuân thủ tiêu chuẩn nghề nghiệp tương ứng của Khung tiêu chuẩn năng lực ngành bảo hiểm được ban hành. Theo đó, các cơ sở đào tạo về bảo hiểm xây dựng các chương trình đào tạo, hệ thống chứng chỉ tương ứng để cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ mà khung trình độ chuyên môn tiêu chuẩn cấp quốc gia đối với tất cả các bằng cấp, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Australia (AQF) đặt ra cho ngành bảo hiểm. Tiêu biểu trong các cơ sở đào tạo về bảo hiểm là Viện Tài chính và bảo hiểm Úc và New Zealand – ANZIIF. Bản thân ANZIIF với uy tín và kinh nghiệm lâu năm về đào tạo cho ngành bảo hiểm Úc, New Zealand và toàn khu vực châu Á đã đặt ra các tiêu chuẩn, chứng chỉ chuyên môn về bảo hiểm có tính cấp bậc, hệ thống khá rõ ràng để người làm trong lĩnh vực bảo hiểm dễ đánh giá, so sánh, xác định nhu cầu học tập, phát triển nghề nghiệp.

(AQF: Australian Qualifications Framework)

Ngoài việc đào tạo lần đầu, ANZIIF cũng rất chú trọng việc phát triển chuyên môn liên tục (CPD) để thành viên (member) luôn cập nhật các xu hướng và quy định của ngành. Việc thực hiện CPD của ANZIIF được thực hiện dưới nhiều hình thức, hoạt động và mỗi hình thức đó được đánh giá theo một thang điểm (CIP point) để đảm bảo người hành nghề tích lũy được một số điểm CIP phù hợp với điều kiện đặt ra tại Khung tiêu chuẩn đối trong việc phát triển chuyên môn CPD. Hoạt động phổ biến ANZIIF tổ chức liên quan đến tích lũy điểm CIP point chính là thông qua các Hội thảo khoa học (có tính phí) thuộc các lĩnh vực cụ thể, trong đó lĩnh vực bảo hiểm có thể chia theo loại hình bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm nhà tư nhân…) hoặc lĩnh vực chuyên môn (như: Bồi thường, khai thác bảo hiểm, tái bảo hiểm…).

3. Tại Anh

Bên cạnh hệ thống các chứng chỉ chia theo cấp độ năng lực chuyên môn, để làm việc trong một thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm Anh Quốc yêu cầu mỗi cá nhân chuyên nghiệp phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, pháp luật hàng năm. Đáp ứng nhu cầu này, Viện bảo hiểm Hoàng gia Anh (CII) đã phát triển một hệ thống các chứng chỉ, chứng nhận đi cùng hệ thống các khóa đào tạo Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) hàng năm.

(Viện bảo hiểm hoàng gia Anh - CII)

Chương trình CPD của thành viên CII cung cấp một khuôn khổ thực tế để đảm bảo sự phát triển nghề nghiệp một cách bài bản, có lộ trình, nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí công việc, nhu cầu của DN hoặc người sử dụng lao động và các yêu cầu của CII với tư cách là cơ quan chuyên môn được cấp phép đào tạo về bảo hiểm và lập kế hoạch tài chính. Mỗi một nội dung kiến thức cập nhật sẽ được quy đổi theo đơn vị học trình thống nhất gọi là 1 CPD. Mỗi một vị trí công việc sẽ yêu cầu cá nhân phải tích lũy đủ số lượng CPD tối thiểu. Theo đó, cá nhân làm chuyên môn vị trí nào sẽ phải tự đăng ký các khóa học, các hội thảo phù hợp chuyên môn của mình để tích lũy đủ số lượng CPD theo yêu cầu.

Nhờ đáp ứng được điều kiện về CPD, mỗi cá nhân sẽ có cơ sở để xây dựng niềm tin và uy tín trước công chúng; thích ứng tích cực với sự thay đổi bằng cách liên tục cập nhật kỹ năng; hỗ trợ mọi mục tiêu nghề nghiệp bằng cách tập trung vào đào tạo và phát triển phù hợp; làm việc hiệu quả và năng suất hơn bằng cách phản ánh quá trình học tập và nêu bật những lỗ hổng trong kiến thức và kinh nghiệm cũng như lập kế hoạch hành động phù hợp.

Mỗi cá nhân có thể đáp ứng yêu cầu về CPD thông qua các hội thảo nhằm làm mới kiến thức chuyên môn bảo hiểm hiện có của người làm việc trong ngành bảo hiểm hoặc phát triển các kỹ năng mới khi tham gia vào Hội thảo chuyên môn của CII như hội thảo về bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm xe cơ giới,…

Người đứng đầu/quản lý bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ bảo hiểm cũng có thể đáp ứng CPD khi tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao khả năng quản lý, lãnh đạo và kỹ năng để tối ưu hóa hiệu suất cá nhân, lãnh đạo nhóm một cách hiệu quả và củng cố hoạt động kinh doanh của bộ phận phụ trách.

Thông thường, các hội thảo, các khóa đào tạo CPD sẽ diễn ra trong thời lượng ngắn, khoảng 2 ngày, đủ để cung cấp thông tin, trao đổi, cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất của một lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhất định. Hình thức phổ biến là đào tạo trực tuyến.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hệ thống chứng chỉ chuyên môn về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm chủ động xây dựng cần đảm bảo tính nhất quán, theo cấp bậc từ thấp đến cao, tương ứng với các cấp bậc của Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn. Đồng thời, hệ thống chứng chỉ còn cần có yêu cầu về Phát triển chuyên môn liên tục - CPD để duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn tương ứng với chứng chỉ chuyên môn mà người học đã đạt được. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ nghề nghiệp ban đầu, cần có khuyến nghị và xây dựng văn hóa củng cố và phát triển nghề nghiệp thông qua các chứng chỉ hoặc chương trình đào tạo định kỳ, tương tự chứng chỉ CPD của các Viện bảo hiểm trên thế giới.

(Quy trình Phát triển chuyên môn liên tục – CPD)

Chương trình CPD có thể thực hiện dưới hình thức đào tạo và cấp tín chỉ, hoặc có thể dưới dạng các hội thảo chuyên môn để cập nhật và chia sẻ tin tức chuyên môn giữa những người hoạt động trong nghề. Chương trình CPD tuy không phải là chứng chỉ chính thức nhưng là điều kiện cần phải duy trì trong suốt quá trình hành nghề và thực hiện dưới dạng các điểm CPD tích lũy. Điểm CPD có thể dựa trên các khóa đào tạo mà người hành nghề tham dự, cũng có thể là các Hội thảo chuyên môn. Trước mắt, CPD có thể yêu cầu người hành nghề phải thường xuyên củng cố, cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh bảo hiểm, các công nghệ mới trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, các chủ đề nóng trên diễn đàn thế giới hoặc khu vực.

Việc áp dụng Phát triển chuyên môn liên tục (CPD) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam nên được cân nhắc là một xu hướng quan trọng để nâng cao chất lượng của nhân lực ngành bảo hiểm. CPD giúp các nhân viên trong ngành bảo hiểm liên tục cập nhật kiến thức mới nhất và phát triển kỹ năng chuyên môn để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường và công nghệ, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, từ đó tăng cường niềm tin và sự hài lòng của khách hàng.

Tuy nhiên, việc áp dụng CPD cần được định hình và tiến hành một cách thận trọng, bao gồm việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh và có cơ chế khuyến khích nhân viên tham gia một cách tích cực.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%