Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 14/05/2023 20:51:00 1604

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

14/05/2023 20:51:00

Ngày 14/5, Tổ công tác số 5 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng kiểm tra, làm việc trực tiếp với tỉnh Đồng Nai; đồng thời làm việc trực tuyến với các tỉnh Bình Dương, Gia Lai, Phú Yên và Bình Định để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp - Ảnh TBTC

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng Tổ công tác số 5 có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong 12 địa phương (Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu).

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 435/QĐ-TTg phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương cần thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị để kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn một số dự án còn chậm triển khai do vướng về thủ tục chấp thuận cho nhà đầu tư; vướng liên quan đến điều 118 Luật Đất đai; một số khó khăn trong công tác quy hoạch cần sớm tháo gỡ cho các dự án.

Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Từ điểm cầu tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn, tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng kim ngạch xuất khẩu giảm 23% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm như gỗ, giày da, điện tử… Số thu ngân sách 4 tháng cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt thấp hơn so với bình quân chung cả nước, đạt 13,6%, nguyên nhân chủ yếu do giá đất bồi thường chậm.

Từ điểm cầu tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cho biết, hiện nay địa phương gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vốn cao, cái doanh nghiệp cần đó là chi phí vốn, đất đai, chuỗi cung ứng. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn thấp so với bình quân chung. Vướng chủ yếu là do chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, nhất là Luật Đất đai (Điều 118 và điều 113…).

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đề nghị các bộ, ngành cùng vào cuộc với địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, “bắt bệnh bốc thuốc” để trực tiếp tháo gỡ cho địa phương. Những chính sách về giảm thu thuế, phí, lệ phí, theo ông Tạ Anh Tuấn, Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng để vừa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, nhưng đồng thời tránh làm xói mòn cơ sở thuế, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách tại các địa phương.

Về triển khai các dự án chương trình mục tiêu quốc gia chậm, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị, một số định mức Chính phủ, các bộ, ngành cần có hướng dẫn thống nhất, tránh khác nhau giữa các địa phương, gây khó khăn trong thực hiện.

Từ điểm cầu tỉnh Gia Lai, lãnh đạo tỉnh này cho biết, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn chậm, mới đạt 8,3%, do giải phóng mặt bằng, nhiều dự án lớn đều chậm. Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các tỉnh phải tập trung vào giải quyết vấn đề tổng cầu của nền kinh tế; giải quyết các nút thắt, các thủ tục hành chính để đầu tư tư nhân phát triển; tăng cường giải ngân đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng: "Bản chất nền kinh tế hiện này là ngành này nuôi ngành kia, gia đình này nuôi gia đình kia nên nếu triển khai tốt đầu tư tư nhân và đầu tư công tốt sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Nếu các khâu này tắc thì sẽ tắc hết".

Bộ trưởng cũng cho biết, sau cuộc họp, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các kiến nghị và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác kiểm tra
một số dự án tại tỉnh Đồng Nai - Ảnh TBTC

Trước đó, sáng 14/5, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng các thành viên Đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát 2 dự án đầu tư công ở Đồng Nai là dự án xây dựng Cầu Vàm Cái Sứt và dự án xây dựng đường ven sông Đồng Nai.

Đây là 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, khởi công vào năm 2020 và 2021 nhưng đến nay đang chậm tiến độ; trong đó, dự án xây dựng Cầu Vàm Cái Sứt đã phải gia hạn 2 lần, đến tháng 5/2024 mới hoàn thành. Dự án đường ven sông Đồng Nai, nhà thầu đang làm thủ tục gia hạn lần 1. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chậm giải phóng mặt bằng.

GH (T/h)

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 2 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%