Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) 16/06/2022 10:50:00 1026

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

16/06/2022 10:50:00

Với 469/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành,

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua gồm 157 điều. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam); Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam); Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Điều khoản chuyển tiếp của Luật này quy định: Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Ngoài ra, việc xử lý số dư Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 97 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được thực hiện như sau: Toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản; Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu,
chỉnh lý và giải trình trước Quốc hội. Ảnh ĐBND

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), có ý kiến cho rằng hậu quả pháp lý của việc bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm là hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Đề nghị rà soát thống nhất, tránh xung đột pháp lý, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp trách nhiệm giữa các bên.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này, để tránh xung đột pháp luật, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm g khoản 1 Điều 25 theo hướng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định tại Điều 22 về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 34 chỉ yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đề nghị làm rõ khi giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm như được cơ quan có thẩm quyền xác định không phải là cha, mẹ, con hoặc vợ, chồng ly thân, ly hôn thì hợp đồng bảo hiểm được giải quyết như thế nào? Đặc biệt là trường hợp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có được nhận tiền bảo hiểm hay không?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 2 Điều 34 yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm như được cơ quan có thẩm quyền xác định không phải là cha, mẹ, con hoặc vợ, chồng ly thân, ly hôn thì hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nhưng phải được chuyển giao theo quy định tại Điều 28. Trường hợp bên mua bảo hiểm không muốn tiếp tục duy trì hợp đồng thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%