Theo báo cáo của Nikkei Asian Review, là một trong những nước có tỷ lệ dân số chưa được bảo hiểm cao nhất ở Châu Á, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% mỗi năm, Campuchia đang thu hút nhiều sự đầu tư của cả các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Sau khi được cấp giấy phép vào tháng trước, công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất châu Á - AIA, là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới nhất được cấp phép gia nhập vào thị trường bảo hiểm của Campuchia, nâng tổng số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lên 6 doanh nghiệp và số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 7 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Huy Vatharo, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Campuchia (IAC) nói với Nikkei vẫn còn một thách thức trong việc giúp người dân có thêm hiểu biết về bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm non trẻ này vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể, mặc dù vẫn còn những thách thức về nhận thức của người dân về bảo hiểm còn thấp, GDP bình quân đầu người thấp nhất ở Đông Nam Á với mức lương hàng tháng thấp nhất 642.000 riel (176 đô la Mỹ) và thị trường vốn chưa phát triển. Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, mới bắt đầu từ năm 2012, doanh thu phí bảo hiểm đã tăng gấp đôi trong năm ngoái.
Tuy nhiên, theo IAC, tỷ lệ thâm nhập vào thị trường bảo hiểm năm 2015 là dưới 0,5%, so với 2% thị trường bảo hiểm Việt Nam. Nikkei nói rằng lịch sử phức tạp của những năm đàn áp và bất ổn chính trị khiến việc khuyến khích người dân trả tiền cho cái gì đó có thể hoặc không thể xảy ra trong thời gian dài là rất khó khăn.
Ông Tondy Suradiredja, Tổng giám đốc Bảo hiểm Nhân thọ Campuchia, công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của nước này nói: "Người dân ở đây có xu hướng sống cho ngày mai chứ không phải vì tương lai xa. Họ nghĩ: Tại sao tôi phải nghĩ về chuyện nghỉ hưu nếu tôi không chắc những gì sẽ xảy ra với chính phủ?"
Để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, Bảo hiểm Nhân thọ Campuchia bắt đầu với hình thức bảo hiểm vi mô, bán bảo hiểm phí thấp khoảng 1,2 đô la Mỹ mỗi ngày tại 3.700 đại lý của Wing (Cambodia), nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động hàng đầu của đất nước. Hai gói cung cấp bảo hiểm 5.000 đô la và 10.000 đô la sẽ được triển khai và phí bảo hiểm có thể được thanh toán trên cơ sở hàng ngày hoặc hàng tháng.
Manulife Campuchia đã đưa ra một số chiến dịch tiếp thị kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012. Manulife Campuchia đã tổ chức các hội thảo trên toàn quốc để giải thích về bảo hiểm nhân thọ và vai trò của bảo hiểm nhân thọ trong cuộc sống của người dân. Hơn 75.000 người đã tham dự cho đến nay. Các dịch vụ của Manulife ở Campuchia chủ yếu là các khoản hỗ trợ và sản phẩm tiết kiệm - theo ông Vatharo của IAC, hơn 95% các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được bán trên thị trường là các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.
Các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong nước sẽ phải tìm các điểm đến đầu tư dài hạn cho tài sản đang phát triển của họ, trong khi Campuchia hiện không có thị trường trái phiếu. Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ, chỉ có bốn công ty niêm yết và chính phủ yêu cầu các công ty bảo hiểm phải đầu tư 75% phí bảo hiểm của họ ở Campuchia.
Theo Nikkei, hầu hết các công ty bảo hiểm đầu tư vào tiền gửi ngân hàng. Manulife cũng ký quỹ 75% phí bảo hiểm của mình với các ngân hàng địa phương, nhưng tái lại 25% cho Công ty tái bảo hiểm tại Hồng Kông.
Bất chấp những thách thức, các công ty bảo hiểm tin tưởng triển vọng tươi sáng, với sự tham gia của các bệnh viện quốc tế nhiều hơn để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng.
(Theo Asia Insurance Review)