Năm 2016, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Tại Mỹ, kinh tế chỉ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ quý III. Tại khu vực Châu Âu tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 1,6%, dự báo năm 2017, mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống 1,4% do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi Liên minh EU. Tại khu vực Châu Á, Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong vài năm tiếp với mức tăng trưởng duy trì ở khoảng 6,5% trong khi đó kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm ở mức từ 0,5-1%. Chỉ riêng có khu vực Châu Mỹ La tinh đánh dấu sự tăng trưởng tích cực tại hai nền kinh tế Ac-hen-ti-na và Brazil.
Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng GDP theo khu vực giai đoạn 2014-2018
Nguồn Swiss Re
Mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm nhưng điều đáng mừng là rủi ro kinh tế toàn cầu trong năm 2016 tiếp tục giảm tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và các quốc gia thị trường mới nổi nhờ sự điều tiết chính sách lãi suất và chính sách tiền tệ1. Theo khảo sát của Swiss Re, hầu hết các nước thị trường mới nổi đều tin tưởng vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ vào tăng trưởng kinh tế.
I. Tổng quan tình hình thị trường bảo hiểm toàn cầu
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát được điều chỉnh và kiểm soát, ngành bảo hiểm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm đánh dấu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi.
Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại so với năm 2015. Trong năm 2016, tổng doanh thu phí phí bảo hiểm chỉ tăng trưởng 2,4% ( trong khi tốc độ tăng trưởng của năm 2015 là 3%). Tại các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm giảm từ 2,5% năm 2015 xuống còn 1,7% năm 2016 do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ có sự tăng trưởng nhẹ so với năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng 5,3%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân 8% trong giai đoạn 2010-2014 tại khu vực này.
Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ theo khu vực
giai đoạn 2014-2018
Nguồn Swiss Re
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cho thấy mức tăng trưởng doanh thu phí mạnh mẽ hơn so với lĩnh vực phi nhân thọ, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm tại các thị trường mới nổi khu vực châu Á.
Tại thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng đạt 20,1% trong năm 2016, riêng tại các thị trường mới nổi Châu Á ước tính tốc độ tăng trưởng phí đạt 27%. Trung Quốc chiếm hơn một nửa (57%) doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tại thị trường mới nổi và đóng góp 2/3 trong tăng trưởng tổng doanh thu phí của thị trường này. Bên cạnh Trung quốc, các nước khác ở khu vực khu vực Châu Á cũng có những cải thiện trong chính sách phát triển sản phẩm, tạo động lực cho sự phát triển của thị trường như: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam2...
Bên cạnh bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm nhân thọ cũng đạt mức tăng trưởng cao tại các thị trường mới nổi với sự đóng góp đặc biệt mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc nơi Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm.
1. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016:
- Về doanh thu phí bảo hiểm: Năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng ước đạt 2,4% (giảm hơn so với tỷ lệ 3% của năm 2015). Doanh thu phí tại các nước phát triển ước đạt 1,7% giảm hơn so với năm 2015 (2,5%). Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm và phí bảo hiểm giảm hơn cho các dòng sản phẩm bảo hiểm thương mại. Một số thị trường có mức tăng trưởng khả quan là Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các nước thị trường mới nổi ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hơn so với các thị trường khác trên thế giới ước tính đạt khoảng 5,3% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 8%/năm trong giai đoạn 2010-2014. Mức tăng trưởng thấp hơn so với giai đoạn trước này chủ yếu do suy thoái kinh tế ở Châu Mỹ Latinh, phát triển chậm chạp đến tiêu cực tại các thị trường lớn tại Tiểu vùng Sahara Châu Phi, và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng cao ở Trung Quốc (7% so với 10% trong năm 2015).
Tại Mỹ lợi nhuận ngành bảo hiểm giảm sút. Trong khi, tỷ lệ phí bảo hiểm trung bình gần như không tăng, giữ ổn định trong cả 3 quý đầu năm 2016, việc tăng chi phí bồi thường ở mọi nghiệp vụ bảo hiểm đang làm lợi nhuận ngành bảo hiểm bị ảnh hưởng. Đặc biệt, ở một số nghiệp vụ như bảo hiểm tài sản và kỹ thuật, tổn thất từ cơn bão Mathew có khả năng sẽ thêm vào gánh nặng thiên tai trên trung bình của năm 2016 dẫn đến số tiền bồi thường và mức trích lập dự phòng vượt quá tỷ lệ phí bảo hiểm.
Tại Châu Âu, ngành bảo hiểm giữ mức tăng trưởng ổn định hơn so với các khu vực khác, với tỷ lệ chi phí kết hợp trung bình các nghiệp vụ bảo hiểm đạt khoảng gần 95%. Tại thị trường Đức và Pháp do ảnh hưởng từ một vài cơn bão và lũ ở Elvira và Friederike vào tháng 5 và tháng 6 với ước tính tổn thất thiệt hạt khoảng 2,7 tỷ (tương đương 3 tỷ USD). Thụy Sỹ là thị trường có mức lợi nhuận giữ ổn định nhất trong khu vực này trong năm 2016. Các thị trường khác như Anh, các nước Bắc Âu và Tây Ban Nha đã có những cải thiện nhất định, chủ yếu từ bảo hiểm xe cơ giới.
Bảng 3: Tỷ lệ chi phí kết hợp tại Thị trường Châu Âu giai đoạn 2012-2016
Nguồn Swiss Re
Tại Châu Á, hai thị trường lớn nhất là Nhật và Úc có sự phát triển không đồng đều. Trong khi tại Nhật Bản, lợi nhuận ngành bảo hiểm giảm do chịu ảnh hưởng từ trận động đất ở tỉnh Kumamoto và tỷ lệ tổn thất cao của sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Thị trường bảo hiểm ở Úc lại có nhiều khởi sắc nhờ vào sự tăng trưởng của dòng bảo hiểm tài sản (bảo hiểm nhà tư nhân, cháy, nổ và các rủi ro đặc biệt).
- Về tỷ lệ phí bảo hiểm: tại hầu hết các thị trường đều có xu hướng phí giảm trong năm 2016. Theo báo cáo của Mash, trong quý II/2016, tỷ lệ phí bảo hiểm toàn cầu đã giảm quý thứ 13 liên tiếp (-3,6%), chủ yếu do năng lực dồi dào của các nhà bảo hiểm và ít xảy ra các thiên tai thảm họa tự nhiên lớn. Tỷ lệ phí bảo hiểm tài sản tiếp tục thể hiện mức giảm lớn nhất (4,5%).
Bảng 4:Thay đổi tỷ lệ phí bảo hiểm của từng nghiệp vụ bảo hiểm
Nguồn Swiss Re
- Một số nghiệp vụ bảo hiểm đặc biệt:
Bảo hiểm hàng hải: sụt giảm thương mại toàn cầu đã dẫn đến nhu cầu bảo hiểm hàng hải giảm trong năm 2016 do áp lực áp lực từ những tác động bất lợi của giá cước vận tải. Các nhà bảo hiểm hàng hải đối mặt với bất lợi gấp đôi từ áp lực giảm phí bảo hiểm hoặc mở rộng điều khoản hợp đồng. Trong năm 2016, phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu tiếp tục giảm ở cả bảo hiểm hàng hóa và thân tàu. Theo Hiệp hội các nhà bảo hiểm hàng hải quốc tế (IUMI), trong năm 2015, tổng phí bảo hiểm đã giảm 10,5% sau mức giảm 0,5% năm 2014.
Bảo hiểm số: hiện vẫn còn là một thị trường non trẻ nhưng phát triển nhanh chóng trong bồi cảnh số vụ tấn công mạng công nghệ cao tăng nhanh trong thời gian qua. Trong một nghiên cứu toàn cầu gần đây gần tới nửa doanh nghiệp được khảo sát (48%) xem an ninh mạng quan trong hơn tất cả các rủi ro khác. Các công ty dự đoán rằng tần suất và mức độ của sự cố mạng sẽ tăng - 60% các công ty mong đợi rủi ro mạng sẽ trở thành một rủi ro lớn hơn trong khoảng 10 năm. Tuy nhiên, thị trường này còn nhiều vấn đề cần xem xét về chi phí để bồi thường cho những cuộ tấn công mạng không còn chỉ giới hạn trong việc đối phó với các dự liệu bị mất hoặc hỏng mà còn mở rộng ra đến khả năng thiệt hại uy tín công ty, cũng như chi phí liên quan đến rủi ro gián đoạn trong kinh doanh.
- Về hoạt động đầu tư: Lợi nhuận trung bình hoạt động đầu tư giảm và dòng tiền đầu tư hoạt động yếu, chủ yếu do mức tăng trưởng phí bảo hiểm thấp và lợi nhuận bảo hiểm yếu. Mức đóng góp của lợi nhuận đầu tư vào lợi nhuận chung đã giảm xuống còn 9,5% trong năm 2016 từ mức 10,3% năm 2015. Nhìn chung, lợi nhuận ngành bảo hiểm vẫn giảm với mức tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu dự kiến giảm còn 6% vào năm 2016, trong khi đó năm 2015 là 8% và năm 2014 là 10%.
Bảng 5: Tỷ lệ lợi nhuận và ROE tại 8 thị trường chính giai đoạn 1999-2017
Nguồn Swiss Re
2. Thị trường bảo hiểm nhân thọ
- Về doanh thu phí bảo hiểm: Trong năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu ước tăng 5,4% (tăng so với 5% năm 2015). Trong đó, ở những thị trường phát triển, doanh thu phí chỉ tăng ở mức 2% ( thấp hơn so với mức 3,4% năm 2015). Khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu tỷ lệ tăng trưởng duy trì ở mức 1,6-1,7%. Riêng tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á tốc độ tăng trưởng cao đặc biệt là nhân tố chính cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu, ước tăng 20,1%, (năm 2015 khu vực này đạt mức tăng trưởng 13,2%).
Bảng 6: Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ
Quốc gia | 2014 | 2015 | 2016 (ước) | 2017 (dự báo) | 2018 (dự báo) |
Mỹ | -1,7% | 4,3% | 1,6% | 1,7% | 1,7% |
Canada | 7,6% | 3,5% | 3,0% | 3,6% | 3,7% |
Anh | -11,9% | 17,6% | 2,2% | 1,5% | 2.0% |
Nhật Bản | 6,8% | 1,5% | 2,6% | 2,0% | 1,3% |
Ôxtrâylia | 26,5% | -7,4% | -5,7% | 4,1% | 4,1% |
Pháp | 8,4% | 1,3% | 1,4% | 1,4% | 2,6% |
Đức | 2,4% | -2,7% | -2,3% | 0,9% | 1,3% |
Italy | 29,5% | 4,0% | -2,1% | 0,2% | 1,1% |
Tây Ban Nha | -2,5% | 3,4% | 23,9% | 1,5% | 0,9% |
Hà Lan | -4,6% | -16,9% | 2,9% | 2,0% | 1,6% |
Thị trường phát triển | 4,0% | 3,4% | 2,0% | 4,1% | 2,1% |
Thị trường đang nổi | 7,8% | 13,2% | 20,1% | 0,9% | 10,9% |
Thế giới | 4,7% | 5,0% | 5,4% | 0,2% | 4,2% |
Nguồn: Swiss Re
- Tình hình áp dụng Solvency II: Các nước đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm biến động trong bảng cân đối kế toán và giúp cho việc chuyển đổi từ Solvency I sang Solvency II được suôn sẻ hơn, đồng thời giúp các doanh nghiệp bảo hiểm dễ dàng để thích ứng với các quy định mới.
Theo khảo sát của Swiss Re, trong quý II/2016, 58% doanh nghiệp bảo hiểm được khảo sát tin rằng họ đã sẵn sàng cho việc áp dụng Solvency II. Những tập đoàn bảo hiểm tự nguyện báo cáo theo Solvency II đã nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu mới về vốn với thay đổi nhỏ về khả năng thanh toán từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khoảng 16% doanh nghiệp được hỏi cảm thấy phải đối mặt với thách thức và chưa sẵn sang áp dụng Solvency II (16%). Theo họ, nguyên nhân một phần là do tính minh bạch chưa đầy đủ của quy định mới dẫn đến khó áp dụng khi thực hiện. Cũng theo kết quả khảo sát, trong khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chủ động sử dụng mô hình nội bộ trong các quyết định kinh doanh khác nhau của mình thì cơ quan quản lý ngày càng trở nên hoài nghi về mô hình này và đang áp đặt nhiều quy định hoặc những hạn chế khác cho mục đích quản lý của mình.
- Về cơ cấu sản phẩm: Trong năm 2016, trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm và các rủi ro tiềm ẩn, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từng bước tái định hướng mô hình kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm tăng cường cán cân thanh toán. Các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp được thiết kế lại theo hướng chuyển giao rủi ro lãi suất và rủi ro thị trường khác cho người tham gia bảo hiểm, giảm chia sẻ lợi nhuận. Tỷ lệ lãi suất cam kết trong các sản phẩm bảo hiểm cũng giảm.
Một xu hướng nữa là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chuyển trọng tâm từ các sản phẩm tiết kiệm truyền thống sang các sản phẩm mang tính bảo vệ. Các sản phẩm bảo hiểm như tử kỳ hoặc bảo hiểm thương tật đang được bán ngày càng nhiều tại những thị trường phát triển. Tại Mỹ, tỷ lệ doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm từ 82% năm 2008 xuống còn 79% năm 2015 trong khi doanh thu phí bảo hiểm thương tật cá nhân và nhóm tăng cao, đạt mức 5%. Ở Canada, doanh thu phí bảo hiểm tử kỳ tăng 2% trong nửa đầu năm 2016. Ở Anh, doanh thu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài giảm phát, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu phí của các sản phẩm này đã tăng 3,8%. Tại Đức, tỷ lệ tăng trưởng của các sản phẩm bảo vệ là 2,1% mỗi quý.
- Về hoạt động đầu tư: danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn chủ yếu tập trung vào các công cụ mang lại thu nhập cố định do phù hợp với trách nhiệm dài hạn của doanh nghiệp bảo hiểm và yêu cầu về vốn theo quy định.
Bên cạnh đó, nhằm gia tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang có xu hướng chuyển sang các khoản đầu tư phi truyền thống mặc dù tương đối kém thanh khoản nhưng có tiềm năng lợi nhuận cao như cổ phiếu doanh nghiệp, trái phiếu cơ sở hạ tầng và cổ phiếu bất động sản. Tại Mỹ, tỷ lệ đầu tư vào tỷ lệ đầu tư vào các khoản vay thế chấp và bất động sản chiếm 12% trong tổng số tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Tại Anh, Đức và các nước Bắc Âu, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng nhằm đa dạng hóa rổ đầu tư, tăng cường lợi nhuận.
3. Thị trường bảo hiểm y tế: Doanh thu phí bảo hiểm y tế toàn cầu ước tăng 3,6% trong năm 2016. Doanh thu phí tại thị trường ở những nước phát triển chỉ tăng 3,3%, (thấp hơn so với 9% năm 2015). Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng ở thị trường Mỹ đã chậm lại sau 2 năm tăng cao nhờ vào việc mở rộng phạm vi bảo hiểm sức khoẻ sau khi Luật chăm sóc sức khoẻ được ban hành. Tăng trưởng ở thị trường các thị trường mới nổi cũng chậm lại nhưng vẫn ở mức cao 10,7%, chủ yếu do tỷ lệ tăng trưởng cao ở Trung Quốc với các chương trình bảo hiểm chi trả chi phí y tế bổ sung cho các chương trình bảo hiểm y tế của nhà nước bao gồm chi phí khám bệnh.
4. Thị trường tái bảo hiểm
- Tái bảo hiểm phi nhân thọ: Mặc dù trong năm 2016, thị trường tái bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng thấp hơn các năm trước nhưng vẫn đánh dấu mức tăng trưởng mạnh mẽ liên tục 05 năm liền của ngành tái bảo hiểm. Tỷ lệ chi phí kết hợp của ngành tái bảo hiểm phi nhân thọ ở mức 93-94%, không tăng nhiều so với các năm trước nhờ vào chi phí bồi thường thảm họa tự nhiên thấp trong năm 2016.
Ước tính trong năm 2016 nguồn vốn tái bảo hiểm phi nhân thọ đạt 61 tỷ USD (không kể nhượng tái). Tổng nguồn vốn của tái bảo hiểm phi nhân thọ tăng trong năm 2016 phần lớn do lợi nhuận từ các khoản đầu tư.
Bảng 7: Tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ và tổng nguồn vốn
của tái bảo hiểm phi nhân thọ
Nguồn Swiss Re
- Thị trường tái bảo hiểm nhân thọ: Nhượng tái bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ không tăng nhiều trong nửa đầu năm 2016 do ảnh hưởng của biến động tiền tệ của một số nhà tái bảo hiểm. 7 trong số 10 doanh nghiệp tái bảo hiểm nhân thọ đứng đầu có doanh thu phí thuần không có nhiều biến động trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015.
Doanh thu phí tái bảo hiểm nhân thọ truyền thống toàn cầu ước tăng 1,5% trong năm 2016. Ở những thị trường phát triển, tỷ lệ này là 0,5%, chủ yếu là do tăng trưởng tích cực ở Canada, Anh, Nhật Bản và Ôxtrâylia, trong khi đó ở Mỹ thì ngược lại, doanh thu phí tái bảo hiểm giảm do tỷ lệ tái bảo hiểm thấp của các sản phẩm mang tính bảo vệ. Ở những thị trường đang nổi, doanh thu phí tái bảo hiểm ước tăng 8,6%, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc.
Bảng 8: Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí tái bảo hiểm nhân thọ toàn cầu giai đoạn 2014-2018
Quốc gia | 2014 | 2015 | 2016 (ước) | 2017 (ước | 2018 (ước) |
Thị trường phát triển | 1,7% | -0,4% | 0.5% | -0,2% | 0.0% |
Thị trường đang nổi | 138,9% | -45,9% | 8,6% | 8,4% | 8,8% |
Không tính Trung Quốc | 9,0% | 5,8% | 5,0% | 4,9% | 5,6% |
Trung Quốc | 369,9% | -66,5% | 12,7% | 12,0% | 12,0% |
Thế giới | 15,0% | -9,5% | 1,5% | 0,9% | 1,2% |
Nguồn: Swiss Re
II. Triển vọng cho ngành bảo hiểm toàn cầu năm 2017-2018:
Trong năm 2017-2018, ngành bảo hiểm toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Việc Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể sẽ dẫn đến những thay đổi chính sách lớn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung cũng như ngành bảo hiểm nói riêng. Các chính sách được đề xuất chủ yếu tập trung vào chủ nghĩa bảo hộ, cắt giảm thuế lớn cho cá nhân và doanh nghiệp, chi tiêu bổ sung vào cơ sở hạ tầng và quân sự, hạn chế chính sách nhập cư, khả năng đàm phán lại, hoặc đơn phương rút khỏi các Hiệp định thương mại tự do lớn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những chính sách này nếu được đưa ra cùng một lúc sẽ có khả năng dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn và tạo ra áp lực lạm phát. Các công ty bảo hiểm Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những quyết định của Trump liên quan đến Obamacare và môi trường khi Trump có thể đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực để kiềm chế lượng khí thải carbon dioxide và chống biến đổi khí hậu bằng cách từ chối hiệp ước khí hậu Paris.
Tại khu vực Châu Á, các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 và 2018, do ảnh hưởng từ sự thành công của Trung Quốc trong chính sách ổn định kinh tế và quản lý rủi ro tín dụng. Việc mở rộng và sự phát triển của công nghệ như sử dụng mua bán trực tuyến, điện thoại di động sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ thâm nhập của ngành bảo hiểm, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, những lo ngại về thảm họa môi trường, thực phẩm không an toàn cũng sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ.
Tại châu Âu, ngành ngân hàng vẫn dễ bị tổn thương do lợi nhuận và vốn hóa vẫn còn thấp, các rủi ro suy thoái khác chủ yếu là chính trị như Anh rời khỏi liên minh EU sẽ làm tăng nguy cơ mất ổn định hơn trong EU. Sự leo thang của xung đột khu vực có thể cũng làm tăng quan ngại về rủi ro và biến động thị trường tài chính. Những biến động trên thị trường tài chính sẽ khiến người mua bảo hiểm bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp thận trọng hơn khi tham gia bảo hiểm.
1. Triển vọng phát triển thị trường bảo hiểm
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng ở các nước phát triển dự kiến sẽ chậm lại trong năm tiếp theo do điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ chỉ cải thiện kiêm tốn và lạm phát dự kiến tăng.
Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm tại các thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng gần 10%/năm trong 02 năm 2017 và 2018. Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ dần cải thiện mức tăng trưởng, đạt mức từ 6-7%/năm, còn lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ duy trì mức tăng trưởng ổn định.
- Đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ:
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 3% trong năm 2018.
Thị trường mới nổi sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng dự kiến cải thiện mạnh mẽ đến 6-7% trong năm 2017 và 2018. Tại Châu Á, dòng sản phẩm bảo hiểm phi cơ giới được kỳ vọng sẽ ngày càng đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành. Một số chính sách từ cơ quan quản lý như: Sáng kiến nhằm phát triển bảo hiểm thảm họa tự nhiên ở Trung Quốc, việc triển khai Đề án Bảo hiểm cây trồng mới ở Ấn Độ và việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực Đông Nam Á… kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Tại khu vực Mỹ Latinh, phí bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ phục hồi chậm nhưng ổn định, dẫn đầu bởi các nước Brazil, Mexico, Columbia.
Tại thị trường các nước phát triển, bất ổn chính trị có thể là một cơn gió ngược tới thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Ví dụ, ở Châu Âu, Brexit sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc của thị trưởng bảo hiểm, mặc dù trong ngắn hạn vẫn chưa ảnh hưởng nhiều.
- Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ:
Dự báo doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu tăng lần lượt 4,8% và 4,2% trong 02 năm 2017 và 2018, trong đó, doanh thu phí tại thị trường phát triển tăng 2,1% trong cả 2 năm, và tăng lần lượt là 14,9% và 10,9% tại các thị trường mới nổi.
Khu vực Châu Á được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ. Nhân tố chính đến từ các thị trường mới nổi với tăng trưởng kinh tế, dân số tăng nhanh, sự gia tăng của đô thị hoá và tầng lớp trung lưu và tỷ lệ thâm nhập ngày càng cao của ngành bảo hiểm. Trung Quốc sẽ tiếp tục là quốc gia chiếm ưu thế về doanh thu phí bảo hiểm do ảnh hưởng tích cực từ chính sách hỗ trợ của chính phủ bù đắp cho đối tượng thu nhập thấp với các chính sách giảm thuế và ưu đãi kích cầu. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm từ 3% năm 2014 lên 5% năm 2020.
- Đối với thị trường tái bảo hiểm:
Dự báo doanh thu phí tái bảo hiểm chỉ tăng trưởng ở mức thấp trong 2 năm tới, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Doanh thu phí ở thị trường phát triển tăng trưởng không đều. Tại những thị trường phát triển như Ôxtrâylia, Canada, Nhật Bản và một số nước Tây Âu, tái bảo hiểm truyền thống tiếp tục tăng trưởng chậm, ở mức 1 con số, trong khi đó tại Mỹ và Anh sẽ là tỷ lệ tăng trưởng âm. Tại Mỹ, xu hướng tỷ lệ nhượng tái bảo hiểm giảm trong dài hạn và tăng trưởng thấp của các sản phẩm mang tính bảo hiểm trong bảo hiểm gốc khiến doanh thu tái không tăng. Những thay đổi trong quy định, bao gồm việc tăng cường kiểm soát sử dụng vốn tái bảo hiểm và thay đổi hướng tới dự phòng theo nguyên tắc sẽ tác động đến các cơ hội kinh doanh.
Đối với tái bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp tái bảo hiểm nhân thọ đang tăng cường phát triển các giải pháp để nhận rủi ro dài hạn của bảo hiểm hưu trí của các doanh nghiệp bảo hiểm gốc và của các chương trình hưu trí công và tư. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm mới tham gia thị trường và giao dịch chuyển nhượng qua biên giới đang tăng lên, với những rủi ro dài hạn ở Anh và châu Âu đang được tái bảo hiểm bởi các công ty của Mỹ và Canada. Thay đổi trong quy định, doanh thu đầu tư thấp, chi phí cao hơn để tham gia chương trình hưu trí… đã làm gia tăng nhu cầu đối với nhượng tái những rủi ro dài hạn. Tái bảo hiểm nhân thọ dự báo sẽ mở rộng các thị trường khác, trong đó có Hà Lan, Thuỵ Sĩ và Mỹ.
Đối với tái bảo hiểm phi nhân thọ, các công ty bảo hiểm đang ngày càng phân hóa rõ hoạt động cơ chế với các nhà tái bảo hiểm. Các giải pháp được tăng cường như tăng mức giữ lại và chiến lược tái bảo hiểm cho các rủi ro tiêu chuẩn. Xu hướng sẽ bị điều chỉnh với việc toàn cầu hóa rủi ro, đổi mới công nghệ và cải cách quy định quản lý. Các công ty bảo hiểm toàn cầu có xu hướng tập trung tái bảo hiểm cho các dòng sản phẩm dẫn đến giới hạn tỷ lệ giữ lại cao hơn với mức rủi ro phức tạp và giải pháp lớn hơn. Mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro hiện đang được nhiều nước tiến tới áp dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng tái bảo hiểm toàn cầu. Chiến lược của các nhà tái bảo hiểm nhằm cung cấp các giải pháp bảo hiểm rủi ro hiệu quả hơn và giúp đỡ các công ty bảo hiểm tối ưu hóa vốn và giảm thiểu chi phí. Chiến lược tái bảo hiểm và các giải pháp dài hạn cũng được các công ty bảo hiểm chú trọng nhằm chuyển giao rủi ro và chương trình tái bảo hiểm được thiết kế theo hướng kết hợp nhiều rủi ro và/hoặc phụ thuộc lẫn nhau.
2.Triển vọng về khung khổ pháp lý ngành bảo hiểm
- Hướng tới mô hình quản lý dựa trên cơ sở rủi ro: Tại Châu Âu, mô hình Solvency II bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016 và sẽ tiếp tục được triển khai. Tại các thị trường mới nổi, cơ quan quản lý nỗ lực để thu hẹp khoảng cách chênh lệch thị trường bảo hiểm giữa các nước. Các quy định quản lý bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn tiến tới chuẩn mực quốc tế. Tại Châu Á, các cơ quan quan lý đang từng bước thực hiện chuyển đổi sang mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Trung Quốc đã thực hiện xây dựng mô hình quản lý tương tự như mô hình Solvency II của Châu Âu, trong khi Brazil và Nam Phi đang dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2017. Các thị trường khác như Singapore, Thái lan và Malaysia đang nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) giai đoạn 2. Trong khi đó, tại Châu phi, các quy định về quản lý rủi ro được đưa ra nghiêm ngặt hơn đồng thời chú trọng nâng cao quản lý vốn.
- Khung pháp lý bảo vệ người tham gia bảo hiểm được hoàn thiện: Tại Trung Quốc, Cơ quan quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) đã giới thiệu Bảo hiểm động đất dân cư và công bố một chương trình thí điểm bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Bên cạnh đó, CIRC cũng ban hành một loại các quy định về quản lý bancassurance, cổ đông công ty bảo hiểm và trung gian bảo hiểm. Malaysia đã xây dựng một hệ thống cổng thông tin dữ liệu khách hàng giúp khách hàng dễ dàng truy cập các thông tin chính sách về bảo hiểm. Tại Việt Nam hành vi trục lợi bảo hiểm đã được đưa vào hình sự hóa tại Bộ Luật Hình sự sửa đổi
- Về tự do hóa thị trường: Tại một số nước, cơ quan quản lý bảo hiểm tiếp tục chú trọng vào tự do hóa ngành bảo hiểm: Tại Ấn Độ và Thái Lan các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm nước ngoài đã dễ dàng tham gia vào thị trường nội địa hơn , Ấn Độ đã thực hiện phê chuẩn cấp phép cho 23 nhà tái bảo hiểm qua biên giới, trong khi đó, Thái lan nâng tỷ lệ tham gia sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Malaysia thực hiện tự do hóa theo lộ trình với thuế hỏa hoạn…..
Bên cạnh đó, một số nhà quản lý đang từng bước thực hiện tăng lức giữ lại cho thị trường trong nước nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm trong nước như: Tại khu vực Châu Mỹ La tinh, các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn về tỷ lệ tái bảo hiểm, tại Châu Phi một số nhà quản lý thắt chặt về khả năng cung cấp của nhà tái bảo hiểm cho một số loại nghiệp vụ. Tại Indonesia, cơ quan quản lý yêu cầu mức giữ lại cao hơn cho công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên các chính sách này có khả năng sẽ hạn chế cạnh tranh thị trường và tăng chi phí tái bảo hiểm, phí bảo hiểm có khả năng cũng sẽ bị nâng lên. Đặc biệt, những rào cản cũng sẽ hạn chế sự lựa chọn của các doanh nghiệp trong nước trong quản lý rủi ro.
Quy định đối với bảo hiểm số: Hầu hết các thị trường mới nổi vẫn chưa ban hành quy định về bảo hiểm sử dụng công nghệ kỹ thuật số cao bao gồm cả phân tích công nghệ. Hoạt động bảo hiểm gắn liền với công nghệ kỹ thuật hiện vẫn còn mới mẻ tại thị trường Châu Á, và còn khoảng trống pháp lý cho mảng này. Điều này liên quan chặt chẽ đến việc quản lý an ninh mạng và cài đặt các thiết bị điện tử viễn thông đòi hỏi phải có sự nghiên cứu quản lý chặt chẽ.
*1 Cục dự trữ liên Bang Mỹ (Fed) sẽ tăng trần lãi suất từ 0,5-0,75% trong năm sau.
Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân Hàng trung ương Nhật Bản sẽ triển khai các biện pháp làm giảm dư nợ.
Cơ quan tiền tệ Trung Quốc tập trung duy trì mức tăng trưởng đồng thời mở rộng tín dụng cho khu vực nhà nước và đầu tư của dân cư.
*2 Indonesia đẩy mạnh bán bảo hiểm qua đại lý
Thái Lan phát triển các sản phẩm tiết kiệm cao cấp và bancassurance