Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2024 tăng 0,98%
Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng 01/2025 tăng 3,63%; lạm phát cơ bản tháng 01/2025 tăng 3,07%.
Tháng 01/2025, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhẹ và 02 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Cụ thể: 08 nhóm tăng là: nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,47%, nhóm Giao thông tăng 0,95%, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%, nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%, nhóm May mặc mũ nón giầy dép và nhóm Nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng có cùng mức tăng 0,40%, nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%, nhóm Văn hóa giải trí du lịch tăng 0,27%.
Có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là: Nhóm Giáo dục giảm 0,04% và Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,12%.

CPI tháng 01/2025 theo cơ cấu nhóm hàng

Ảnh 1: Quầy hàng đồ khô phục vụ nhu cầu trong Tết đa dạng
Một số nguyên nhân làm tăng chỉ số giá CPI trong tháng 01/2025 như sau:
(1) Nhiều địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế kết cấu thêm chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT và giá một số nhóm thuốc chữa bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp tăng nhẹ khi thời tiết chuyển lạnh là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao 9,47%, là mức tăng cao nhất trong số các nhóm hàng;
(2) Chỉ số giá nhóm Giao thông tăng 0,95% do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ làm cho giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%; vận tải hành khách bằng đường bộ và vận tải hành khách bằng đường thủy cùng tăng 1,73%; vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 1,71%; vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 0,24%;
(3) Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74% do nhóm lương thực tăng 0,3%, nhóm thực phẩm tăng 0,97% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn trong dịp Tết;
(4) Chỉ số giá nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%, thuốc hút tăng 0,7%, đồ uống không cồn tăng 0,36%;
(5) Chỉ số giá các nhóm còn lại tăng như sau: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%, may mặc mũ nóng giầy dép tăng 0,40%, nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,40%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%, văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,27%.

Ảnh 2: Nguồn cung rau xanh dồi dào trong siêu thị Co.opMart
Một số nguyên nhân chính góp phần làm giảm áp lực lên CPI trong tháng 01/2025 là:
(1) Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,12%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,72%; máy điện thoại di động thông thường giảm 0,35%; máy điện thoại cố định giảm 0,02%; riêng giá sửa chữa điện thoại tăng 0,27%.
(2) Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 01/2025 giảm nhẹ 0,04%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,05% chủ yếu do Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học cơ sở năm học 2024-2025.
(3) Do đang là thời điểm thu hoạch vụ rau đông xuân, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau củ dồi dào và phong phú khiến giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,48%, trong đó giá cà chua giảm 9,49%; bắp cải giảm 6,72%; su hào giảm 6,08%; rau gia vị tươi, khô các loại giảm 1,35%.
(4) Giá xe ô tô mới giảm 0,26% so với tháng trước do các hãng xe áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Ảnh 3: Đa dạng chủng loại trái cây trong siêu thị.
Cùng với các chính sách giảm thuế, phí tiếp tục được triển khai và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng đầu năm 2025.
Lạm phát cơ bản tháng 01/2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
HOA THANH