Chỉ số giá tháng 10 năm 2024 tăng 0,33% so với tháng trước
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Mười tăng 2,52% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%. CPI bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
So với tháng trước, (khu vực thành thị tăng 0,38%; khu vực nông thôn tăng 0,28%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, 01 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Xung đột quân sự, biến động chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu cũng có một số điểm sáng khi áp lực lạm phát giảm dần, nguồn cung lao động gia tăng, tạo dự địa cho việc thực hiện một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa dịch vụ, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành thích hợp.
Tháng 10/2024, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhẹ và 01 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Cụ thể: 10 nhóm tăng là: nhóm Giao thông tăng 0,66%, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%, nhóm Giáo dục tăng 0,48%, nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%, nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%, nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%, nhóm Nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11%, nhóm May mặc mũ nón giầy dép và nhóm Văn hóa giải trí du lịch có cùng mức tăng 0,09%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,70% so với tháng 9/2024.
CPI tháng 10/2024 theo cơ cấu nhóm hàng
Một số nguyên nhân làm tăng chỉ số giá CPI trong tháng 10/2024 như sau:
(1) Chỉ số giá nhóm Giao thông tăng 0,66% chủ yếu do giá xăng và dầu diezen tăng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75%; giá phụ tùng xe đạp tăng và chi phí sửa chữa các loại xe cũng tăng.
(2) Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%, chủ yếu do lương thực tăng, giá gạo trong nước tăng do tác động của các đợt mưa bão và giông kéo dài làm ảnh hưởng tới sản lượng gạo. Giá nhóm thực phẩm tăng trong đó có rau xanh, quả tươi, thịt lợn, thịt gia cầm và thủy hải sản tươi sống tăng do thời tiết mưa bão, ngập lụt tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến nguồn cung, một số loại rau củ quả đã cuối vụ.
(3) Chỉ số giá nhóm Giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường Mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí. Ngoài ra, giá một số văn phòng phẩm, đồ dùng học tập tăng 0,09%.
(4) Chỉ số giá nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26% do giá đồ trang sức tăng 4,67% theo giá vàng trong nước. Các dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,46%, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,40%.
(5) Chỉ số giá nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%, do nhu cầu tiêu dùng tăng đối với các thiết bị dùng trong gia đình như bàn là điện, máy hút bụi, bình nước nóng, giường tủ bàn ghế...
(6) Ngoài ra các nhóm khác cũng có chỉ số giá tăng như: nhóm Đồ uống và thuốc lá và nhóm Nhà ở điện nước chất đốt vật liệu xây dựng cùng có mức tăng 0,11%, hai nhóm May mặc mũ nóng giầy dép và văn hóa giải trí du lịch đều tăng 0,09%, nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% đã góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2024 tăng so với tháng trước.
Một số nguyên nhân chính góp phần làm giảm áp lực lên CPI góp phần bù đắp mức tăng của CPI trong tháng 10/2024 là:
(1) Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,05% do phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,46%; giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,28%; giá máy điện thoại di động thông thường giảm 0,17%.
(2) Giá điện sinh hoạt tính trên doanh thu và sản lượng tiêu thụ giảm 2,02% do thời tiết mát nên nhu cầu tiêu dùng giảm.
(3) Giá xe ô tô mới và giá vận tải hành khách bằng đường bộ cùng giảm 0,1%, xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,23%.
(4) Một số địa phương có chính sách miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của bão lũ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Yên Bái, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương áp dụng chính sách miễn 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh tới hết lớp 12; Bình Dương và Long An áp dụng chính sách giảm học phí 50%.
(5) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chú trọng công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Một số chính sách giảm thuế phí tiếp tục được áp dụng trong các tháng cuối năm như: giảm thuế VAT, giảm 10-50% mức thu của nhiều khoản phí, lệ phí... góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa dịch vụ.

Ảnh: Khu vực chợ Đồng Xuân – Hà Nội

Ảnh: Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong siêu thị
Dự báo Chỉ số giá CPI tháng 11/2024
Những yếu tố gây áp lực tăng giá: (1) Giá xăng dầu và nhiên liệu thế giới có thể biến động tăng do nhu cầu thường tăng vào mùa đông và giai đoạn cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước; (2) Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá các các vật dụng quà tặng, hoa tươi có thể tăng do trong tháng có ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11; (3) Giá lương thực, gạo trong nước có thể tăng do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu, nhiều quốc gia vẫn tăng nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ trong thời gian cuối năm; (4) Thời tiết mưa bão, sạt lở tại miền Trung đang gây thiệt hại lớn tới sản xuất nông nghiệp và dự kiến vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể làm tăng giá cục bộ các hàng hóa, thiết yếu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi mưa bão, đồng thời tăng chi phí thuốc men chữa trị cho người và vật nuôi; (5) Một số vật liệu xây dựng như cát, đá, nhựa đường có thể tăng do nhu cầu xây dựng tập trung nhiều vào cuối năm... nhất là trong giai đoạn khắc phục, xây dựng lại các hệ thống công cộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa bão.
- Một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá: Công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm đang được các địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai từ sớm. Các địa phương tăng cường công tác bảo đảm nguồn hàng thiết yếu sau bão. Sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Do đó, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục điều hành thận trọng trong những tháng cuối năm để đảm bảo công tác ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4- 4,50%.