BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN
Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Tài chính ban hành các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết Luật Giá số 16/2023/QH15; ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-BTC ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá bất động sản.

Thông tư đã được thực hiện đúng quy trình, thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc đã gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBTW Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội thẩm định giá Việt Nam, các doanh nghiệp thẩm định giá và một số cơ quan liên quan; đăng tải công khai trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong xã hội kể từ ngày 11/01/2024; đã tổ chức Hội nghị tạị Cần Thơ, Đà Lạt để trực tiếp trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp thẩm định giá là đối tượng chịu tác động chính của các quy định tại Thông tư.
Thông tư số 42/2024/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá, sẽ thay thế Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 – Thẩm định giá bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày 05/8/2024.
Mục đích xây dựng nội dung quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá về thẩm định giá bất động sản
- Kiện toàn hệ thống pháp luật về thẩm định giá nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, cụ thể: Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024).
- Bảo đảm hệ thống pháp luật về thẩm định giá đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá nói chung và phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường quản lý nhà nước về thẩm định giá đảm bảo tính tuân thủ quy định pháp luật về thẩm định giá ngày càng chặt chẽ hơn;

Quan điểm xây dựng nội dung quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá về Thẩm định giá bất động sản:
- Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Giá, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật có liên quan và không nhắc lại những nội dung đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.
- Thứ hai, bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với Luật Giá.
- Thứ ba, quy định về thẩm định giá doanh nghiệp trên cơ sở tiếp thu Chuẩn mực thẩm định giá quốc tế, kinh nghiệm quốc tế phù hợp và đánh giá thực tiễn áp dụng và kế thừa những quy định phù hợp của tiêu chuẩn thẩm định giá tại Việt Nam hiện hành (Tiêu chuẩn thẩm định giá số 11 – Thẩm định giá bất động sản ban hành kèm theo Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ Tài chính);

Nội dung chính của Chuẩn mực thẩm định giá về Thẩm định giá bất động sản:
* Về bố cục:
Căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt nam về thẩm định giá bất động sản được kết cấu thành 02 phần: Phần Thông tư và Phần Chuẩn mực thẩm định giá theo đúng quy định tại Mẫu số 12 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
- Phần Thông tư: gồm 03 Điều (Điều 1 về ban hành Chuẩn mực thẩm định giá, Điều 2 về Hiệu lực thi hành và Điều 3 về Tổ chức thực hiện).
- Phần Chuẩn mực thẩm định giá: gồm 02 Chương và 10 Điều:
+ Chương I – Quy định chung: gồm 04 Điều về Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản;
+ Chương II – Quy định cụ thể gồm 06 Điều, từ Điều 5 đến Điều 9./.
* Về nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư:
Dự thảo Thông tư: gồm 03 Điều
- Điều 1 về ban hành Chuẩn mực thẩm định giá kèm theo Thông tư
- Điều 2 về Hiệu lực thi hành: Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2024
- Điều 3 về Tổ chức thực hiện.
Dự thảo Chuẩn mực: gồm 02 Chương và 10 Điều.
- Chương I – Quy định chung: gồm 04 Điều về Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản.
Theo đó, tại Điều 4 dự thảo Chuẩn mực quy định: Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.
Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.
- Chương II – Quy định cụ thể gồm 06 Điều, từ Điều 5 đến Điều 9, quy định nội dung thực hiện của phương pháp thặng dư, quy định chi tiết các nội dung: Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản; Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n); Xác định tổng doanh thu phát triển (DT); Xác định tổng chi phí phát triển (CP); Xác định giá trị của bất động sản./.