Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kinh gửi Bộ Tài chính, tôi là công chức thuộc phòng Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính Hải Phòng, tôi có một số vướng mắc muốn hỏi Bộ Tài chính như sau: 1. Về khái niệm chủ sở hữu tại Luật quản lý sử dụng và đầu tư vốn (Luật 69): Theo khái niệm được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật 69 thì: "1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên". Như vậy, có thể hiểu UBND thành phố là chủ sở hữu và thực hiện quyền, trách nhiệm chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do mình thành lập, thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu đối với số vốn đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Vậy khái niệm "giao quản lý" ở đây được hiểu như thế nào? và được sử dụng trong những trường hợp nào? 2. Về việc thay đổi tỷ lệ phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần: Trên địa bàn thành phố có một số Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước thực hiện phát hành trái phiếu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Do các doanh nghiệp này không hoạt động trong các ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP nên khi họ tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với việc tỷ lệ vốn nhà nước ở Công ty sẽ bị giảm. Trong các quy định chỉ thấy quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp chuyển nhượng vốn Nhà nước. Vậy xin hỏi, trong trường hợp không chuyển nhượng vốn nhưng do phát hành trái phiếu hoăc chia cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước thì có phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay không? 3. Về việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp phá sản tại doanh nghiệp nhà nước: Theo quy định tại Tiết b Khoản 2 Điều 37 Luật 69, thì phá sản là 01 trong nhũng hình thức sắp xếp doanh nghiệp, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp đổi mới doanh nghiệp do chủ sở hữu quyết định thành lập. Trên địa bàn thành phố có 01 doanh nghiệp nhà nước không còn khả năng thanh toán, Tòa án nhân dân thành phố thực hiện Mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản theo đề nghị của chủ nợ là 01 ngân hàng TMCP. Như vậy, UBND thành phố có phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sấp xếp lại đối với doanh nghiệp này là hình thức phá sản hay không? Kính mong Bộ Tài chính giải đáp những vướng mắc trong quá trình làm việc của tôi, xin chân thành cảm ơn.
15/10/2019
Trả lời:

1. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) quy định: 1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.”

- Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định: “1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.”

- Tại Điều 4 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 3/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định:

Điều 4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu

1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các đối tượng sau đây:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.

3. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào quy định nêu trên, việc “giao quản lý” được áp dụng cho các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và giao cho các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.

         2. Tại khoản 5 Điều 111 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật số 68) quy định:

“5. Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

b) Công ty mua lại cổ phần đã phát hành quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật này;

c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 112 của Luật này.”

- Tại Điều 122 Luật số 68 quy định:

Điều 122. Chào bán cổ phần

1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ.

2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:

a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán ra công chúng;

c) Chào bán cổ phần riêng lẻ.

3. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.

4. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.

- Tại khoản 5 Điều 127 Luật số 68 quy định:

Điều 127. Phát hành trái phiếu

5. Trường hợp công ty cổ phần phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần thì thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng chào bán cổ phần theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.

- Tại khoản 2, 6 Điều 132 Luật số 68 quy định:

Điều 132. Trả cổ tức

2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các Điều 122, 123 và 124 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.

- Tại khoản 2 Điều 43 Luật số 69 về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lênquy định:

2. Quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư tăng vốn, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Tại khoản 1 Điều 48 Luật số 69 về quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nướcquy định:

1. Báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về các vấn đề sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh;

b) Ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ; tăng hoặc giảm vốn điều lệ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc;

c) Phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp;

d) Tổ chức lại, giải thể, phá sản;

đ) Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

          - Tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định:

17. Bổ sung Điều 38b như sau:

“Điều 38b. Thực hiện chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn

Trường hợp chủ sở hữu vốn đã đầu tư vốn tại các doanh nghiệp nhưng không thuộc ngành, lĩnh vực cần tiếp tục đầu tư thêm vốn hoặc phải chuyển nhượng vốn theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, quá trình thực hiện chuyn nhượng vn có nhận được quyền mua cổ phần (tại công ty cổ phần) và quyền góp vn (tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) theo quy định của Luật doanh nghiệp thì chủ sở hữu vốn xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần và quyền góp vốn của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Căn cứ các quy định nêu trên, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc phát hành tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận gồm cả việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tại công ty cổ phần và thực hiện biểu quyết thông qua đại hội đồng cổ đông; việc tiếp tục đầu tư duy trì hay tăng tỷ lệ phần vốn nắm giữ hoặc không đầu tư bổ sung vốn sẽ thực hiện chuyển nhượng quyền mua cổ phần vốn góp tại công ty cổ phần do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ tổ chức hoạt động của công ty cổ phần.

3. Tại khoản 3 Điều 41 Luật số 69 quy định về quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ:

3. Phê duyệt đề án thành lập doanh nghiệp, đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập.

-         Tại Điều 5 Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 quy định:

Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Căn cứ quy định nêu trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân quyết định thành lập đề xuất theo từng thời kỳ. Trong quá trình thực hiện phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được phê duyệt, trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện phá sản theo Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 và không thực hiện được đúng phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt thì cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh phương án sắp xếp./.

Gửi phản hồi: