Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
1. Tại khoản 1, Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC có quy định “Nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, tiểu dự án”. Tại thành phố Đà Nẵng, hiện nay, việc bố trí tái định cư do dân dưới hai hình thức hỗ trợ tiền tự lo tái định cư và đưa vào chi phí đền bù giải tỏa của dự án, hình thức thứ hai là bố trí tái định cư cho dân bằng đất tái định cư. Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn số tiền trích 2% để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có bao gồm số trích 2% đối với kinh phí hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền (thay cho nhận đất) hay không? trường hợp hộ giải tỏa nhận đất tái định cư, thì tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có được trích 2% trên giá trị lô đất (diện tích x đơn giá đất tái định cư) hay không? 2. Ngày 31 tháng 5 năm 2019, Bộ Nội vụ có Công văn số 2417/BNV-TCCB về việc giao chỉ tiêu số lượng người làm việc đối với tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó Bộ Nội vụ đã khẳng định: “Ban bồi thường giải phóng mặt bằng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện, hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, thực hiện chức năng bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính” (đính kèm Công văn số 2417/BNV-TCCB). Do vậy, các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng không được giao định biên nên phải sử dụng nguồn kinh phí 2% để chi lương và các khoản trích theo lương, nhưng nguồn trích 2% không đảm bảo để chi lương, các khoản trích theo lương và các khoản chi theo Thông tư 74/2015/TT-BTC. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT-BTC không có nội dung chi lương và các khoản trích theo lương. Như vậy, tiền lương và các khoản trích theo lương được chi từ nguồn nào trong khi các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng không được giao định biên để bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.
19/03/2020
Trả lời:

         - Tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chứ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất  quy định:

          Điều 3. Nguồn và mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

a) Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất;

b) Chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại gồm: phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; đo đạc xác định diện tích đất, kiểm kê số lượng và giá trị nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi đất cụ thể; tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác;

c) Chi cho công tác xác định giá đất bao gồm trường hợp thuê tư vấn xác định giá đất, xác định hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường (nếu có), thẩm định giá đất cụ thể; xác định giá tài sản gắn liền với đất phục vụ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

d) Chi lập, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu bồi thường đến khâu phê duyệt phương án bồi thường, thông báo công khai phương án bồi thường;

đ) Chi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

e) Chi phục vụ việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường và tổ chức thực hiện chi trả bồi thường;

g) Chi thuê văn phòng, trang thiết bị làm việc của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và cơ quan thẩm định (nếu có);

h) Chi in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm và xăng xe;

i) Chi thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có);

k) Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Căn cứ quy định nêu trên, kinh phí hỗ trợ tự lo tái định cư và trường hợp hộ giải tỏa nhận đất tái định cư không thuộc phạm vi hướng dẫn của Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, theo Công văn số 2417/BNV-TCCB ngày 31/5/2019 ngày 31/5/2019 của Bộ Nội vụ, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên; do đó, về nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính để chi thường xuyên trong đó có chi tiền lương và các khoản trích theo lương được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Bộ Tài chính trả lời để Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng biết, thực hiện
Gửi phản hồi: