Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, hiện tại hóa đơn điện tử đang được triển khai rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi vẫn đang vướng mắc trong việc áp dụng hóa đơn điện tử. Liên quan tới việc tích hợp phần mềm hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán. Tôi đã liên hệ với một số đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử và được biết rằng Cục Thuế Bình Dương yêu cầu phải tích hợp giữa phần mềm hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán. Bên cạnh đó, tôi có tham gia các buổi Hội thảo về hóa đơn điện tử do Công ty I-Glocal tổ chức, tại buổi Hội thảo các doanh nghiệp cũng chia sẻ về việc nộp Quyết định sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên bị Cục Thuế Bình Dương trả về và yêu cầu tích hợp với phần mềm kế toán. Việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí so với hóa đơn giấy. Tuy nhiên, chi phí tích hợp phần mềm hóa hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán là rất cao (rơi vào con số hàng trăm triệu đồng, chưa tính tới phí bảo trì hàng năm). Vậy, thưa Bộ Tài Chính, quy định tích hợp giữa phần mềm hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán liệu có phù hợp với tiêu chí mà việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại. Hiện nay, trên thị trường đang cung cấp 2 gói phần mềm hóa đơn điện tử, một là phần mềm hóa đơn điện tử không tích hợp và gói còn lại là có tích hợp. Vậy doanh nghiệp nào được sử dụng gói không tích hợp, và doanh nghiệp nào phải sử dụng gói tích hợp? Có quy định nào hướng dẫn về việc này. Mong Bộ Tài Chính giải đáp thắc mắc trên giúp doanh nghiệp. Trân trọng cảm ơn!
05/09/2019
Trả lời:

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính về nguyên tắc sử dụng, điều kiện của tổ chức khởi tạo hoá đơn điện tử như sau:

“Điều 4. Nguyên tắc sử dụng, điều kiện của tổ chức khởi tạo hoá đơn điện tử

1. Nguyên tắc sử dụng hoá đơn điện tử

Trường hợp người bán lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có trách nhiệm thông báo cho người mua về định dạng hóa đơn điện tử, cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử giữa người bán và người mua (nêu rõ cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử là truyền trực tiếp từ hệ thống của người bán sang hệ thống của người mua; hoặc người bán thông qua hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để lập hóa đơn và truyền cho người mua).

Người bán, người mua, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử (trường hợp thông qua tổ chức trung gian) và các đơn vị có liên quan phải có thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hoá đơn điện tử đó.

2. Điều kiện của tổ chức khởi tạo hóa đơn

Người bán hàng hóa, dịch vụ (sau gọi chung là người bán) khởi tạo hóa đơn điện tử phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

b) Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hoá đơn điện tử;

c) Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định;

d) Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.

đ) Có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.

e) Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ bao gồm:

- Hệ thống lưu trữ dữ liệu phải đáp ứng hoặc được chứng minh là tương thích với các chuẩn mực về hệ thống lưu trữ dữ liệu;

- Có quy trình sao lưu và phục hồi dữ liệu khi hệ thống gặp sự cố: đảm bảo sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin hoặc sao lưu trực tuyến toàn bộ dữ liệu.”

- Tại Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hiệu lực thi hành :

“Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018.

2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.

3. Trong thời gian từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.

4. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.”

Căn cứ quy định nêu trên, tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính nêu rõ điều kiện của tổ chức khởi tạo hoá đơn điện tử, trong đó có nội dung yêu cầu phần mền hóa đơn điện tử phải kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn. Trường hợp Công ty muốn khởi tạo hóa đơn điện tử, Cục thuế Bình Dương đề nghị Công ty tham khảo và thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính nêu trên.

Hiện nay, chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ, trường hợp khi có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ có quy định khác với Thông tư  32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính thì Công ty thực hiện theo thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ.

Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho độc giả biết để thực hiện./.

Gửi phản hồi: