Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi có 1 số vướng mắc liên quan đến lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp (Mẫu B03b/BCTC) ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC. Tôi thấy mẫu này không phù hợp với khối hành chính sự nghiệp. Nó chỉ phù hợp với đơn vị SXKD 100% Thứ nhất bút toán chuyển tiền từ Kho bạc nhà nước Ghi nợ TK 241,331,152,153,211/511,366. Thứ 2 bút toán khấu hao và hao mòn TSCĐ Nợ 611=511 thì nó cũng chẳng làm ảnh hưởng gì đến thặng dư thâm hụt. Thứ 3: Hàng viện trợ bằng hiện vật nợ 152,153,211/366. Với các chỉ tiêu này nghiệp vụ này lại là các khoản điều chỉnh trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tôi thấy báo cáo này chỉ đúng khi đơn vị chỉ sử dụng 4 tài khoản 111,112,511,611. Đề nghị Bộ nghiên cứu thủ ở các phần mềm kế toán như IMAS , MISA… về báo cáo LCTT cả 2 phương pháp để so sánh . Tôi thấy chỉ có phương pháp trực tiếp là hợp lý nhất cho khối HCSN. Mong được Bộ chỉ giáo . Xin trân trọng cảm ơn!
06/06/2019
Trả lời:

 

  1. Về lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp

Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, tại phụ lục 04 đã hướng dẫn lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, đơn vị được lựa chọn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp.

Phương pháp gián tiếp được thực hiện bằng việc điều chỉnh thặng dư, thâm hụt để xác định dòng tiền; do các khoản mục không bằng tiền (phi tiền tệ) có ảnh hưởng đến thặng dư, thâm hụt nhưng không phát sinh dòng tiền nên cần phải điều chỉnh để xác định dòng tiền thực. 

Tại phụ lục 04 hướng dẫn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp gián tiếp: Phương pháp gián tiếp là phương pháp trong đó số thặng dư/ thâm hụt trong năm điều chỉnh cho ảnh hưởng của các giao dịch không bằng tiền và bất kỳ khoản hoãn lại hoặc dồn tích của các khoản thu hoặc chi trong tương lai và các khoản thu hoặc chi gắn liền với hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động chính được xác định bằng cách lấy số thặng dư/ thâm hụt trong năm điều chỉnh cho các khoản sau đây:

- Các khoản mục không bằng tiền như khấu hao TSCĐ trong năm, lãi lỗ do chênh lệch tỷ giá,... 

- Tất cả các khoản mục khác ảnh hưởng đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

- Các thay đổi trong hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả trong kỳ.

Căn cứ theo quy định nêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính lập theo phương pháp gián tiếp sẽ không trực tiếp xác định cụ thể bút toán nào được lấy số liệu vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Đơn vị lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với hoạt động chính theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động chính cũng phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động chính trong năm báo cáo và đảm bảo số liệu lập từ 2 phương pháp phải khớp đúng với nhau.

        2. Về sử dụng phần mềm kế toán

        Nguyên tắc phần mềm kế toán là công cụ trợ giúp cho người làm kế toán. Trên cơ sở các chứng từ kế toán người dùng nhập số liệu đầu vào, sau đó dựa vào các thủ tục, quy trình có sẵn phần mềm kế toán sẽ xử lý và đưa ra các báo cáo một cách chính xác và hiệu quả, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo đó phần mềm kế toán hành chính, sự nghiệp cần phải được thiết kế theo đúng yêu cầu nghiệp vụ và lập được các báo cáo (trong đó có báo cáo lưu chuyển tiền tệ) theo quy định chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Các đơn vị cần lựa chọn các phần mềm phù hợp và kiểm soát việc đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Gửi phản hồi: