Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi xin hỏi một số nội dung như sau: 1. Đối với việc chi công tác phí theo Thông tư 40/2017/TT-BTC “ Đối với CB, CC, VC không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ từ 10km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn...) và từ 15 km trở lên...” - Như vậy 10 km và 15 km là chỉ tính đều kiện để thanh toán là 1 lượt, còn nếu đủ đều kiện 1 lượt (từ 10km, hoặc 15 km) thì mới được thanh toán tiền khoán xăng xe là 02 lượt phải không? Nếu không thì tính như thế nào? - Điều kiện 10km là tính cho người đi từ xã KK, đặc việt khó khăn hay tính cho nơi đến là xã KK, đặc việt khó khăn? 2. Đối với việc chi Hội nghị theo Thông tư 40/2017/TT-BTC và chi tiếp khách theo thông tư 71/2018/TT-BTC. Như vậy đối với khách mời khi tổ chức hội nghị có hưởng lương từ ngân sách theo Thông tư 40/2017/TT-BTC là không được chi tiền ăn vậy đối với các đơn vị tự chủ có được quy định chi tiếp khách theo thông tư 71/2018/TT-BTC đối với khách mời hội nghị có hương lương từ ngân sách hay không? 3. Theo quy định và các thông tư hướng dẫn của Luật Giáo dục. Hiện tại đối các trường Mầm non – Mẫu giáo và Tiểu học chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu, còn đối với các trường THCS, THPT thì học từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Như vậy đối với nhân viên chuyên trách (không có dạy lớp) tại các trường THCS, THPT khi làm việc vào ngày thứ bảy (Giờ hành chính) có được tính tiền làm thêm giờ theo quy định của Luật Lao động hay không? Còn đối với giáo viên có dạy lớp nếu vào ngày thứ bảy không có tiết dạy mà được phân công vào trực hành chính thì có phải tính tiền thêm giờ hay không? Tính thêm giờ cho đối tượng giáo viên trực hành chính theo thông tư 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hay theo thông tư 08/2005/TTLT/BNV-BTC ? 4. Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Các đơn vị này có được quyền quy định mức chi hỗ trợ vào quy chế chi tiêu nội bộ và chi từ nguồn kinh phí tự chủ (Ngân sách cấp, thu dịch vụ) hay không? (Các khoản hỗ trợ này không có văn bản quy định và hướng dẫn chi như: hỗ trợ tiền cho giáo viên nghĩ tết Nguyên đán, tết Dương lịch, tết người đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ cho nhân viên có thu nhập thấp, chi khen thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích cao trong các hoạt động – Hội thi cấp tỉnh, cấp khu vực, chi mua quà tết cho giáo viên...). Các đơn vị sự nghiệp này có được quyền trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi từ nguồn kinh phí tiết kiệm cuối năm hay không hay chỉ được chi khen thưởng, phúc lợi trực tiếp từ nguồn kinh phí tiết kiệm? Rất mong được giải đáp.
29/08/2019
Trả lời:

1. Về quy định khoán tiền xăng xe:

Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị như sau:

b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Theo quy định trên, khi thực hiện khoán tiền tự túc phương tiện đối với cán bộ, công chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác đến các địa bàn cách trụ sở cơ quan được tính theo khoảng cách địa giới hành chính theo quy định trên; số “km” được thanh toán bao gồm cả lượt đi và lượt về phù hợp với hành trình công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

2. Về đề nghị áp dụng chế độ chi tiếp khách theo Thông tư số 71/2018/TT-BTC đối với khách mời hội nghị có hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

Tại Khoản 2 Điều 31 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước; trong đó quy định thẩm quyền quy định đối tượng được mời cơm như sau:  

2. Thẩm quyền quy định đối tượng được mời cơm:

a) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

c) Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được mời cơm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của từng loại hình đơn vị. Các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị.

d) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Đối tượng khách mời cơm do thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị”.

Do vậy, đề nghị độc giả nghiên cứu khoản 2 Điều 31 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính để thực hiện theo quy định.

3. Về chế độ thanh toán tiền làm thêm giờ đối với nhân viên chuyên trách tại các trường:

Chế độ làm thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (giáo viên không có tiết dạy vào thứ 7 nhưng được phân công trực hành chính), nhân viên chuyên trách (không có dạy lớp) thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BVN-BTC ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC; Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì ban hành Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BVN-BTC. Vì vậy, đề nghị độc giả gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để trả lời theo thẩm quyền.

4. Về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp:

a) Tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định: Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 này, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ; Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ.

Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chưa ban hành Nghị định thay thế thì áp dụng theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ; Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ.

b) Tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định việc xử dụng kinh phí tiết kiệm được từ khoản chênh lệch thu lớn hơn chi đối với đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Ngày 09/8/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2016/TT-BTC hướng dân thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tại Khoản 4 Mục IX quy định về sử dụng kinh phí tiết kiệm được (khoản chênh lệch thu lớn hơn chi) thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ như sau:

“Hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định; phần kinh phí tiết kiệm chi, chênh lệch thu lớn hơn chi của các hoạt động dịch vụ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, theo hướng dẫn tại điểm 3.2, khoản 3 Mục IX của Thông tư này.

- Chi khen thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị;

- Chi phúc lợi, trợ cấp khó khăn, đột xuất cho người lao động, kể cả các trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức trong năm; chi thêm cho người lao động trong biên chế thực hiện tinh giản biên chế;

- Chi tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị.

- Trường hợp đơn vị xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Căn cứ quy định trên đây, mức cụ thể đối với các khoản chi và trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Nội dung chi khen thưởng, chi phúc lợi theo quy định trên đã bao gồm cả nội dung chi khen thưởng, chi phúc lợi của hoạt động thu phí, lệ phí (đối với những đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí)”.

Căn cứ theo quy định trên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, nếu có kinh phí tiết kiệm từ khoản chênh lệch thu lớn hơn chi, thì được sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm để chi các khoản trên; trong đó chi khen thưởng, chi phúc lợi (bao gồm cả chi hỗ trợ tiền cho giáo viên nghỉ tết Nguyên đán, tết dương lịch, mua quà tết cho giáo viên...); được trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để đảm bảo thu nhập cho người lao động, không trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi.

Đề nghị Quý độc giả nghiên cứu cá quy định trên để thực hiện theo quy định.

Gửi phản hồi: