Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính. Chúng tôi xin hỏi Quý Bộ như sau: Ngày 01/02/2019 của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã ban hành Quyết định số 01/XPVPHC, trong đó tịch thu tang vật vi phạm hành chính là 6,862 m3 gỗ tròn nhóm VI, trị giá 11.269.375 VNĐ. Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018, chúng tôi là đơn vị chủ trì quản lý tài sản tịch thu đã tiến hành các nội dung: (1) lập phương án xử lý tài sản; (2) báo cáo cơ quan cấp trên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); (3) ban hành văn bản xin ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công (Sở Tài chính) để Chi cục Kiểm lâm phê duyệt phương án xử lý tài sản (theo phân cấp thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh). Tuy nhiên, sau khi nhận văn bản xin ý kiến của chúng tôi, Sở Tài chính có ý kiến đề nghị chúng tôi phải thực hiện đúng quy định của pháp luật (có trích dẫn điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC). Quan điểm của bộ phận tham mưu Sở Tài chính (trao đổi trực tiếp): việc xin ý kiến (nội dung 3) phải do Sở Nông nghiệp thực hiện bằng văn bản sau khi nhận được báo cáo của Chi cục Kiểm lâm. Vậy, đề nghị Bộ Tài chính cho biết, việc chúng tôi thực hiện các nội dung trên đã bảo đảm đúng quy định của pháp luật hay không? nếu chưa đầy đủ, chính xác thì đề nghị hướng dẫn cụ thể. Trân trọng cảm ơn!
03/05/2019
Trả lời:

Tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 5/7/2018 quy định:

“Điều 4. Lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

3. Đối với tài sản thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp phê duyệt phương án xử lý theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP:

b) Đối với tài sản xử lý theo các hình thức còn lại quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP:

Đơn vị chủ trì quản lý tài sản lập phương án xử lý, báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có), lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc địa phương), trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP phê duyệt theo quy định (đối với tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý theo phân cấp).”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp đơn vị chủ trì quản lý tài sản có cơ quan quản lý cấp trên thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có trách nhiệm lập phương án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên. Trên cơ sở báo cáo của đơn vị chủ trì quản lý tài sản, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc địa phương và trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản theo quy định.

Gửi phản hồi: