Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi BTC, tôi hiện tại đang công tác bên ngành tài chính, tôi có một khúc mắc mà bấy lâu nay chưa tìm được văn bản để giải quyết, cụ thể là: Việc các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (UBND các cấp) TẠM ỨNG NGOÀI NGÂN SÁCH bằng tiền mặt để về chi tiêu trong đơn vị. Vậy việc tạm ứng ngoài ngân sách như thế này có đúng không? Và việc tạm ứng ngoài ngân sách được quy định ở văn bản nào? Trường hợp nào được áp dụng? Rất mong BTC quan tâm và hướng dẫn. Tôi xin cảm ơn
24/01/2019
Trả lời:

- Khoản 1 Điều 51 Luật NSNN 2015 quy định về tạm ứng, ứng trước ngân sách nhà nước như sau: “Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước tạm cấp kinh phí cho các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được cho đến khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định.”

- Khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Luật NSNN quy định: “Đối với các dự án đầu tư và các nhiệm vụ chi cấp thiết khác được tạm ứng vốn, kinh phí để thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký kết. Mức vốn tạm ứng căn cứ vào giá trị hợp đồng và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và theo quy định của pháp luật có liên quan, vốn, kinh phí tạm ứng được thu hồi khi thanh toán khối lượng, nhiệm vụ hoàn thành” và “Ngân sách cấp dưới được tạm ứng từ ngân sách cấp trên để thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán ngân sách được giao trong trường hợp cần thiết.”

- Khoản 1 Điều 57 Luật NSNN quy định về ứng trước dự toán ngân sách năm sau: “Ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp bách của địa phương thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Mức ứng trước không vượt quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng năm thực hiện của các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt. Khi phân bổ dự toán ngân sách năm sau, phải bố trí đủ dự toán để thu hồi hết số đã ứng trước, không được ứng trước dự toán năm sau khi chưa thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước.”

- Khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Luật NSNN quy định: “Trường hợp quỹ ngân sách cấp tỉnh thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương, quỹ dự trữ tài chính trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách” và “Trường hợp quỹ ngân sách cấp huyện và cấp xã thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách.”

- Khoản 5 Điều 34 Nghị định 163 NĐ-CP/2016 quy định: Chi ngân sách nhà nước thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Điểm a khoản 4 điều 8 Nghị định 163 NĐ-CP/2016 quy định như sau: “Quỹ dự trữ tài chính có thể được sử dụng trong trường hợp: Cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách”.

- Thông tư số 30/2017/TT-BTC và thông tư 06/2018/TT-BTC về Tạm ứng ngân quỹ cho ngân sách Nhà nước quy định: “Tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và được ghi trong dự toán ngân sách hằng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và để trả nợ gốc của ngân sách địa phương được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hằng năm.”

2. Đối chiếu các quy định nêu trên thì tạm ứng dựa trên dự toán, thu hồi trong năm và bố trí dự toán năm sau thu hồi (ứng cho đầu tư), không có việc tạm ứng ngoài ngân sách. Câu hỏi của độc giả chưa cụ thể là tạm ứng trong trường hợp nào, vì vậy đề nghị quý độc giả nghiên cứu các nội dung quy định trong các văn bản pháp luật tài chính-ngân sách nhà nước nêu trên và căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị để áp dụng đúng.

Gửi phản hồi: