Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Theo điểm b, khoản 3, điều 7 Thông tư 73/2022/TT-BTC, Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung phải được trích khấu hao toàn bộ. Trường hợp việc trích khấu hao toàn bộ ảnh hưởng đến giá cung cấp nước sinh hoạt theo quy định thì căn cứ vào tình hình thực tế của từng thời kỳ trên cơ sở báo cáo của cơ quan, đơn vị giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định: b1/ Thực hiện tính hao mòn toàn bộ, không trích khấu hao; b2/ Vừa tính hao mòn vừa trích khấu hao và quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm % phân bổ mức tính hao mòn/trích khấu hao đối với từng tài sản Theo điểm c, khoản 3, điều 7 Thông tư 73/2022/TT-BTC, Tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch đô thị phải thực hiện trích khấu hao toàn bộ, không tính hao mòn. Đơn vị tôi công tác là Trung tâm Môi trường và dịch vụ đô thị huyện Sa Thầy, được tạm giao quản lý vận hành Công trình Cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy, công trình này cung cấp nước sạch cho khu vực thị trấn Sa Thầy và 03 xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn. tức là vừa cấp nước sạch cho khu vực đô thị (thị trấn Sa Thầy) và vừa cấp nước sạch cho khu vực nông thôn (03 xã). Vậy, Bộ Tài chính cho tôi hỏi: 1. Việc thực hiện tính hao mòn, trích khấu hao của công trình Cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy áp dụng theo điểm b hay điểm c của khoản 3, điều 7, thông tư 73/2022/TT-BTC? 2. Huyện Sa Thầy là một huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, mức sống của người dân còn thấp, giá trị đầu tư của công trình Cấp nước lớn (116 tỷ), nhu cầu nước sạch hiện tại của người dân trên địa bàn còn thấp. Nếu thực hiện trích khấu hao toàn bộ hoặc 1 phần thì vẫn ảnh hưởng lớn đến giá nước sạch. Vậy có thể áp dụng không trích khấu hao, chỉ tính hao mòn toàn bộ cho công trình này để không ảnh hưởng đến giá nước cung cấp cho người dân được không? Kính mong Bộ Tài chính sớm có câu trả lời để tôi có cơ sở thực hiện xây dựng phương án giá nước và thực hiện quản lý tài sản công đúng quy định. Tôi xin chân thành cảm ơn!
22/01/2024
Trả lời:

-Tại điểm b, điểm c khoản 3 Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 của Bộ Tài chính đã có quy định cụ thể về nguyên tắc tính hao mòn, trính khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (bao gồm tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung và tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch đô thị).

          - Tại điểm a khoản 4 Điều 28 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định:

          Điều 28. Trách nhiệm thi hành

          4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

          a) Chỉ đạo rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

          Căn cứ quy định trên, việc xác định công trình cấp nước sinh hoạt làcông trình cấp nước sạch nông thôn hay công trình cấp nước sạch đô thị thuộc trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị bà Nguyễn Thị Kim Oanh liên hệ với cơ quan chức năng của tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum để được hướng dẫn về tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch của đơn vị Bà công tác là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hay công trình cấp nước sạch đô thị;  trên cơ sở đó, áp dụng phương pháp tính khấu hay hao mòn theo quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 7 Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 của Bộ Tài chính cho phù hợp. Trường hợp còn vướng mắc về việc phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch thì đề nghị Bà liên hệ với Bộ Xây dựng (đơn vị chủ trình dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022) để được hướng dẫn theo thẩm quyền.    

          Bộ Tài chính trả lời để độc giả Nguyễn Thị Kim Oanh được biết./.

Gửi phản hồi: