Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính! Ngày 29/7/2022 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 về xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023. Tại điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư số 47/2022/TT-BTC quy định: “ ….Bên cạnh việc tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023) để dành nguồn tăng chi ĐTPT và các nhiệm vụ cấp bách khác thuộc trách nhiệm chi của các cấp ngân sách theo phân cấp” Theo quy định trên các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (không bao gồm Đảng, Đoàn thể) thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN ngay từ khâu xây dựng dự toán (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023). Theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước, Loại 340 được quy định để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội;…; các hoạt động quản lý nhà nước khác. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành thuộc các nội dung chi sự nghiệp, ví dụ như Sở Văn hóa và Thể thao sử dụng kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin để lập Đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên dịa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, lập hồ sơ khoa hoc Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO… Như vậy, theo quy định trên việc thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN ngay từ khâu xây dựng dự toán của các cơ quan hành chính nhà nước là thực hiện tiết kiệm đối với loại 340 “Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể”; có bao gồm tiết kiệm thêm 10% đối với các nội dung chi sự nghiệp chuyên ngành khi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện? Đây là vấn đề Sở Tài chính Bình Định còn lúng túng, để đảm bảo thực hiện công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng quy định, Sở Tài chính Bình Định kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Rất mong nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Tài chính ./.
30/01/2023
Trả lời:

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2023-2025. Tại điểm b khoản 4 Điều 14 đã quy định: “Bên cạnh việc tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023) để dành nguồn tăng chi ĐTPT và các nhiệm vụ cấp bách khác thuộc trách nhiệm chi của các cấp ngân sách theo phân cấp.”

Tại tiết l Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước quy định:

“l) Loại Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (ký hiệu 340)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; các hoạt động quản lý nhà nước khác.

- Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể để phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý nhà nước khác.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học; chi hoạt động kinh tế.”

Việc quy định này để hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán NSNN năm 2023 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về phân bổ NSTW năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 về việc giao dự toán NSNN năm 2023. Vì vậy, đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2023-2025, Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán NSNN năm 2023 được cấp có thẩm quyền giao.

 

Gửi phản hồi: