Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Xin trình bày với quý cơ quan nội dung như sau: Theo Thông tư 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tại điều 4 quy đinh về việc thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện tiền lương, trợ cấp: "Ủy ban nhân dân các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2022 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để tạo nguồn tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2022-2025" Chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành trung ương khóa XII,về cải cách chinh sách tiền lương, tại khoản 3, mục II về nội dung cải cách chỉ nêu nên về đường lối, chủ trương chưa chi tiết cải cách chính sách tiền lương gồm những nội dung chi cụ thể gì. Vì vậy tôi xin quý cơ quan giải đáp vướng mắc như sau: 1. Hiện nhà nước có văn bản cụ thể quy đinh kinh phí thực hiện chính sách cải cách tiền lương được chi những nhiệm vụ gì không? 2. Trường hợp địa phương tôi có được dùng kinh phí tiết kiệm 10% chi thường xuyên hàng năm để chi trả nhu cầu tăng lương cơ sở; tăng lương ngạch bậc; trợ cấp lần đầu, chuyển vùng cho người lao động ở khu vực đặc biệt khó khăn và các nội dung chi lương, các khoản phụ cấp theo lương khi kinh phí thường xuyên được giao không đảm bảo hay không?
18/05/2022
Trả lời:

1. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp;

trong đó đã đưa ra các định hướng về CCTL đến năm 2030 và các giải pháp tạo nguồn thực hiện. Việc quy định các nội dung chi cho cải cách tiền lương (bao gồm: thiết kế cơ cấu tiền lương mới, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành,…) sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và có hướng dẫn cụ thể.

Do cân đối NSNN còn khó khăn nên đến nay chưa  thực hiện chế độ tiền lương theo định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương. Hằng năm, để triển khai thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc giao dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Tại các văn bản này đều có hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện các giải pháp để tạo nguồn tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương; như năm 2022, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội quy định: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp”, tại khoản 3 Điều 2 Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2022…”, tại Điều 4 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định: “Các Bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, cân đối sắp xếp các nhiệm vụ chi đảm bảo đủ nguồn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, ngân sách trung ương không bổ sung. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định…Năm 2022, các địa phương tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2022-2025...”

2. Về nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên dành cho CCTL: Nguồn CCTL của các Bộ, ngành, địa phương đã được quy định về nguyên tắc tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ và được bổ sung, làm rõ theo các Nghị định điều chỉnh tiền lương hằng năm. Theo đó, nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương là một trong các nguồn dành cho CCTL. Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có trách nhiệm sử dụng nguồn CCTL để chi trả các chế độ về tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp (BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ),...theo quy định của pháp luật.

Gửi phản hồi: