Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, tôi xin hỏi: - Câu 1: Theo Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 15/01/2019 có quy định mức chi, nội dung chi cho hoạt động sáng kiến, nhưng hàng năm huyện không bố trí riêng kinh phí chi Hội đồng chấm sáng kiến. Nay tôi hỏi phòng Nội vụ có sử dụng nguồn kinh phí khen thưởng để chi Hội đồng chấm sáng kiến được không. - Câu 2: Hiện nay ở địa phương tôi Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất sáp nhập thành Ban QLDA và PTQĐ huyện; chi phí QLDA thực hiện theo Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017; chi phí phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015. Do đó đơn vị găp khó trong quá trình thực hiện vì chi phí BTTH không có nội dung chi lương, chỉ chi thuê mướn nhân công, hoạt động,...phục vụ nhiệm vụ BTTH, nên có những công trình chi phí BTTH lớn đơn vị sẽ không chi hết số tiền được hưởng do không có nộ dung chi lương. Trong khi chi phí phí QLDA phải chi trả lương cho những người làm nhiệm BTTH. Xin hỏi Bộ Tài chính có thể hướng dẫn cho Ban QLDA và PTQĐ sử dụng nguồn thu 2% chi phí BTTH như nguồn thu dịch vụ hòa chung với chi phí QLDA và quyết toán chung chi phí QLDA, một điều bất cập cập hiện nay. Ban QLDA và PTQĐ thực hiện theo Nghị định số 141, nhưng lập dự toán, quyết toán thực hiện theo Thông tư 72 và Thông tư số 74. Để thuận tiện trong công tác lập, thanh, quyết toán đề nghị quí Bộ hướng dẫn để địa phương thực hiện. Xin cám ơn
18/01/2021
Trả lời:

Câu 1: Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 15/01/2019 của Bộ Tài chính quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến như sau:

Nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện hoạt động sáng kiến thuộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó:

a) Ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí đối với hoạt động sáng kiến tại các cơ quan quản lý nhà nước (nguồn ngân sách chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước) và các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (nguồn ngân sách chi hoạt động sự nghiệp của đơn vị).

b) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên được hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị trên cơ sở khả năng thu của đơn vị và được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị để thực hiện hoạt động sáng kiến.

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị để thực hiện hoạt động sáng kiến.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị đơn vị thực hiện.

Câu 2

2.1. Về hình thức tổ chức Ban QLDA.

Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 16/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định như sau:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây gọi là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) để giao làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện nhiệm vụ quản lý đồng thời nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, tham gia tư vấn quản lý các dự án khác khi cần thiết.

Tại điểm c Điều 18 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 16/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định như sau: “Đối với cấp huyện: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc thực hiện vai trò chủ đầu tư và quản lý các dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư xây dựng;”

Như vậy, theo tên gọi của Ban Quản lý dự án và phát triển Quỹ đất huyện thì chưa xác định được Ban Quản lý huyện là Ban QLDA chuyên ngành hay là Ban QLDA khu vực hay là hình thức khác theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư; do vậy, đề nghị Độc giả có ý kiếnBộ Xây dựng để xác định Ban Quản lý dự án và phát triển Quỹ đất huyện thuộc loại hình Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành hay Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực hay là hình thức Ban QLDA khác theo quy định của pháp luật về xây dựng để làm cơ sở thực hiện.  

2.2 Về kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24, khoản 1 Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trong đó, tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai tại địa phương là “tổ chức phát triển quỹ đất”, không đề cập đến loại hình “Ban QLDA và Phát triển quỹ đất huyện”.

Do đó, đề nghị độc giả hỏi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (là Bộ chủ trì xây dựng Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) về loại hình của tổ chức dịch vụ công về đất đai theo quy định tại Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật./.
Gửi phản hồi: