Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, tôi hiện nay đang công tác tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, kính xin Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc chi từ nguồn thẩm tra quyết toán công trình hoàn thành do cơ quan tôi là Phòng Tài chính - Kế hoạch được giao nhiệm vụ trực tiếp thẩm tra quyết toán các công trình do huyện quyết định đầu tư. Để đảm bảo công bằng các nhiệm vụ chung với nhau (toàn bộ công chức đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước- làm việc ở vị trí nào cũng được hưởng thu nhập tăng thêm từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị), do đó chi phí thảm tra quyết toán công trình sau khi chi trực tiếp cho người phụ trách thẩm tra (với tỷ lệ nhất định); chi cho công tác phí, văn phòng phẩm... phục vụ cho công tác thẩm tra quyết toán; số còn lại chúng tôi tạo nguồn phúc lợi để chi thu nhập tăng thâm cho toàn bộ cán bộ, công chức trong cơ quan Phòng Tài chính - Kế hoạch và được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan theo hướng dẫn tại Khoản 2.2, Điều 3, Chương 2 của Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC - BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính về Quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước như vậy có phù hợp hay không, kính mong Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến để Phòng Tài chính - Kế hoạch làm cơ sở Tổ chức thực hiện. Vì thời gian qua, Sở Tài chỉnh hướng dẫn cho thực hiện theo nội dung vừa nêu, còn Thanh tra tỉnh thì cho rằng không phù hợp đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (sau khi thanh tra các phòng Tài chính - Kế hoạch huyện) Một lần nữa kính mong Bộ Tài chính có văn bản hưởng dẫn hoặc cho ý kiến cụ thể. Trân trong cám ơn!
22/09/2020
Trả lời:

 

2.1 Về sử dụng các khoản chi khác có liên quan đến công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Tại điểm b khoản 2 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước quy định quản lý, sử dụng chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán như sau:

          “ b) Nội dung chi cho công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán gồm:

- Chi hỗ trợ trực tiếp cho công tác thẩm tra quyết toán, phê duyệt quyết toán.

- Chi trả cho các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra quyết toán dự án trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán ký kết hợp đồng theo thời gian với các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn.

- Chi công tác phí, văn phòng phẩm, dịch thuật, in ấn, hội nghị, hội thảo, mua sắm máy tính hoặc trang bị phục vụ công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán;

- Các khoản chi khác có liên quan đến công tác thẩm tra quyết toán, phê duyệt quyết toán.

c) Căn cứ chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán và nội dung chi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán xây dựng quy chế chi tiêu cho công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán, trình thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định phê duyệt để làm cơ sở thực hiện hằng năm cho đến khi quy chế được điều chỉnh, bổ sung (nếu có).”

Tại Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định về chi phí đầu tư được quyết toán như sau: “Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng đã ký kết (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ các quy định nêu trên, các khoản chi cụ thể của 4 nội dung chi phục vụ công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành để chi cho công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Cơ quan chủ trì thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung chi theo quy định. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; trường hợp, sau khi đã kết thúc công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và cơ quan chủ trì thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã thực hiện các nội dung chi liên quan đến công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC) nhưng vẫn chưa sử dụng hết số tiền chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (do chủ đầu tư thanh toán theo định mức quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC) thì cơ quan chủ trì thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thực hiện nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chưa sử dụng hết; không được sử dụng số tiền này để chi cho nội dung khác không phục vụ nhiệm vụ thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

2.2 Về bổ sung nguồn thu từ chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán vào nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị hành chính theo hướng dẫn tại tại Khoản 2.2, Điều 3, Chương 2 của Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính về Quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước.

Tại điểm d khoản 2 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định như sau: “Nguồn thu chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán không phải thực hiện trích nguồn cải cách tiền lương; không hạch toán chung và không quyết toán chung với nguồn kinh phí quản lý hành chính hằng năm của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán. Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán nếu chưa sử dụng hết trong năm, được phép chuyển sang năm sau để thực hiện”.

Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành là một nội dung chi trong tổng mức đầu tư được duyệt của dự án và được sử dụng để chi cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC. Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán được lập dự toán riêng và được tổng hợp vào trong quyết toán dự án hoàn thành; trường hợp không sử dụng hết thì cơ quan chủ trì thẩm tra phê duyệt quyết toán phải nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chưa sử dụng hết. Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành không phải lập và giao dự toán thu – chi hằng năm (theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn), không hạch toán chung và không quyết toán chung với nguồn kinh phí hành chính hằng năm của đơn vị.

Do vậy, nguồn thu từ chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành không được bổ sung vào nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị.

Bộ Tài chính có ý kiến để Quý Độc giả biết và thực hiện theo đúng quy định./.

 

Gửi phản hồi: