Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi : Bộ Tài Chính Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn (Nông Trường Lam Sơn) theo chủ trương của UBND Tỉnh Thanh Hóa là chuyển đổi công ty MTV sang mô hình công ty 2 thành viên.Công ty hiện tại đang làm công tác định giá tài sản để chuyển đổi.Trong quá trình định giá thì công ty đang vướng một số nội dung trong quá trình định giá lại vườn cây cao su của công ty.Cụ thể như sau: Hiện tại công ty có đầu tư trồng 180 ha cao su theo NĐ 135 của Chính Phủ. Quá trình đầu tư cho vườn cây và giao khoán như sau: - Thời kỳ KTCB (8 năm đầu): Trong 5 năm đầu đầu tư cho vườn cây công ty đầu tư phân bón,giống,cây trồng,thuốc bảo vệ thực vật,thiết kế lô; còn các hộ nhận khoán chịu trách nhiệm làm cỏ,bón phân,chăm sóc vườn cây và được hưởng toàn bộ thu nhập từ cây trồng sen (Cây sắn,cây dứa).Từ năm thứ 6 đến năm thứ 8 (hết thời kỳ KTCB) công ty chi trả toàn bộ chi phí như Công làm cỏ, phun thuốc, chăm sóc; tiền vật tư,bón phân; bảo vệ vườn cây... Hết 8 năm thời kỳ KTCB công ty đã đánh giá lại vườn cây và tổng hợp chi phí để ghi nhận nguyên giá tài sản cố định vào sổ sách để theo dõi và chuyển vườn cây sang thời kỳ kinh doanh (khai thác mũ). Hết 8 năm thời kỳ KTCB: 1 ha cao su định giá lại và ghi sổ với giá trị là 30.300.000 đồng /ha - Thời kỳ Kinh doanh(khai thác mủ từ năm thứ 9 trở đi): Công ty giao cho các hộ nhận khoán khai thác mủ và chịu toàn bộ các chi phí như công khai thácmủ,phân bón,công làm cỏ,công trang bị vườn cây,công bảo vệ vườn cây và được hưởng toàn bộ sản phẩm mủ cao su mà các hộ khai thác được. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được công ty thu mua 100% cho các hộ nhận khoán theo giá cả thị trường. Hàng năm các hộ phải chịu toàn bộ chi phí (nhân công và vật tư) theo định mức của Công ty bình quân cho 1 ha là 14.000.000 đồng/ha - Hiện tại vườn cây đã đưa vào khai thác được 3 năm (vường cây trồng được 11 năm). Từ tình hình thực tế như trên và căn cứ vào điều 9,điều 10 của thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT –BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ tài chính. Công ty xin hỏi ý kiến về cách xác định giá trị vườn cây, cụ thể như sau: 1. Suất đầu tư nông nghiệp của vườn cây cao su cơ bản tuổi i: Theo thông tư 17 thì suất đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư vào vườn cây trong thời kỳ KTCB. Nhưng hiện tại Công ty đầu tư một số phần như nêu trên và các các hộ cũng có một phần chi phí. Vậy để tính xác định giá trị vườn cây ghi nhận cho công ty thì có loại trừ phần chi phí của hộ nhận khoán ra không? 2. Theo thông tư 17: Nguyên giá vườn cây cao su đã được đánh giá lại: Được xác định theo suất đầu tư nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm cho công ty. Vậy Nguyên giá vườn cây cao su được tính theo Nguyên giá của vườn cây cao su KTCB(hết 8 năm đầu) đã được ghi sổ sách và đánh giá lại tai thời điểm năm i hay là nguyên giá của vườn cây được tính bằng nguyên giá vườn cây cao su KTCB đã được đánh giá lại tại năm thứ i cộng với các khoản chi phí (Công khai thác, vật tư phân bón...) hàng năm của vườn cây cao su kinh doanh vào thêm nữa. 3. Thực tế tại Công ty thời kỳ cao su kinh doanh Công ty không đầu tư cho vườn cây mà các hộ nhận khoán chịu toàn bộ chi phí chăm sóc và khai thác mủ cao su. Vậy để định giá trị vườn cây cho công ty thì các khoản chi phí này có loại ra khỏi giá trị của vườn cây hay không? Kính mong Bộ tài chính xem xét, hướng dẫn cho Công ty để công ty áp dụng định giá cho vườn cây cao su được chính xác theo thông tư 17. Lê Đình Giao _ Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc, Tỉnh Thanh Hóa – SĐT: 0857.961.678 mail: Legiao9120@gmail.com
07/05/2020
Trả lời:

Ngày 06/5/2020, Bộ Tài chính đã  có công văn số 5456/BTC-TCDN trả lời về nội dung này. Cụ thể:

Trả lời công văn số 21/CV-CTFLCLS ngày 06/4/2020 của Công ty TNHH hai thành viên FLC Lam Sơn về việc xác định giá trị vườn cây cao su khi chuyển đổi doanh nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Điều 3 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp có quy định nguyên tắc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây:

1. Việc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư và giá trị thu hồi trong tương lai trên cơ sở giá thị trường và các yếu tố lợi thế sản xuất kinh doanh.

2. Xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phù hợp với diện tích, số lượng và chất lượng; sát với giá thị trường tại thời điểm định giá.

3. Việc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.”

- Điều 10 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC hướng dẫn xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh như sau:

“1. Giá trị thực tế vườn cây cao su kinh doanh, được xác định cho từng diện tích (ha) của vườn cây theo tuổi (i), cụ thể:

Gi kd = (Giclđc x HSikd) + Gihttl

Trong đó:

- Gi kd: là giá trị thực tế vườn cây (ha) tuổi i;

- Giclđc:  giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i;

- HSikd: là hệ số phân loại thực tế của vườn cây tuổi i;

- Gihttl là giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh tuổi i.

2. Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su (Giclđc)

Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i = Nguyên giá vườn cây đã được đánh giá lại - Giá trị đã khấu hao lũy kế đến thời điểm xác định giá trị, trong đó:

a) Nguyên giá vườn cây cao su đã được đánh giá lại: Được xác định theo suất đầu tư nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm cho công ty hoặc theo địa bàn tại thời điểm xác định giá trị.

b) Giá trị đã khấu hao lũy kế: Được tính từ năm vườn cây bắt đầu khai thác đến thời điểm định giá trên cơ sở nguyên giá vườn cây cao su đánh giá lại và tỷ lệ khấu hao hàng năm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Điều 15 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC có quy định một số trường hợp đặc thù, trong đó tại khoản 2 hướng dẫn: “2. Đối với các diện tích vườn cây, rừng trồng có sự tham gia đầu tư vốn và công sức của bên nhận khoán theo quy định của pháp luật về giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất thì công ty phải xác định giá trị đã đầu tư của bên nhận khoán.

Việc xác định giá trị đã đầu tư căn cứ vào tỷ lệ tiền vốn, công sức đóng góp của mỗi bên đã được quy định tại hợp đồng giao khoán. Khoản tiền bên nhận khoán tham gia đầu tư sẽ được trừ vào phần nghĩa vụ sản phẩm phải nộp theo hợp đồng giao khoán của bên nhận khoán nếu bên nhận khoán tiếp tục nhận khoán lại vườn cây (trừ một lần); hoặc khi bên nhận khoán mua cổ phần của công ty thì trừ vào số tiền mua cổ phần mà bên nhận khoán phải thanh toán cho công ty (trừ một lần).

Trường hợp tại hợp đồng giao khoán quy định bên nhận khoán nhận giá trị sản phẩm khi thu hoạch hoặc khai thác tương ứng với vốn, lao động đã đầu tư và 100% giá trị sản phẩm vượt khoán thì bên nhận khoán không được nhận khoản tiền này.

Theo nội dung báo cáo của Công ty TNHH hai thành viên FLC Lam Sơn thì hiện tại vườn cây cao su đã đưa vào khai thác. Theo đó, việc xác định giá trị vườn cây cao su được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC (xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh). Việc xử lý khoản tham gia đầu tư vốn của bên nhận khoán thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Thông tư này.

-  Về xác định nguyên giá tài sản, theo quy định tại khoản 5, Điều 2, Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính: Nguyên giá tài sản cố định hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Điểm d, khoản 1, Điều 4 Thông tư số 45/2013/TT-BTCquy định: Đối với tài sản cố định là con súc vật làm việc và/ hoặc cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì nguyên giá là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra cho con súc vật, vườn cây đó từ lúc hình thành tính đến thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng”.

 

Căn cứ quy định trên, các chi phí bỏ ra trong giai đoạn khai thác không được tính vào nguyên giá tài sản cố định.

Đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên và hợp đồng giao khoán để thực hiện xác định giá trị vườn cây cao su, đảm bảo đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp phát sinh các vướng mắc liên quan đến hợp đồng giao khoán, đề nghị Công ty có ý kiến gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thêm.

- Ngoài ra, tại Điều 10 Thông tư số 51/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý tài chính khi sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có quy định phương thức và nguyên tắc chuyển đổi theo hình thức thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên: 1. Việc xác định phần vốn nhà nước khi chuyển đổi thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá phải đảm bảo nguyên tắc xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, tại thời điểm chuyển đổi.

Việc xác định phần vốn nhà nước nêu trên là căn cứ để xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trong trường hợp chuyển nhượng vốn và căn cứ để xác định phần vốn nhà nước góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp huy động vốn.

2.

3. Khi thực hiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty phải xây dựng phương án chuyển đổi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phương án chuyển đổi gồm các nội dung sau:

          - Cơ sở pháp lý, mục đích chuyển đổi;

- Thực trạng của công ty ở thời điểm xác định phần vốn nhà nước để chuyển đổi; kết quả xác định phần vốn nhà nước và những vấn đề cần xử lý;

- Đánh giá lợi ích thu được và ảnh hưởng của việc chuyển đổi;

- Hình thức chuyển đổi (chuyển nhượng vốn, huy động thêm vốn góp);

- Cơ cấu vốn điều lệ;

-

Theo quy định nêu trên, doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên phải thực hiện xác định phần vốn nhà nước thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá trước khi thực hiện chuyển đổi. Hiện nay, Công ty TNHH hai thành viên FLC Lam Sơn đã được thành lập (trên cơ sở sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Lam Sơn). Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo tại công văn số 21/CV-CTFLCLS thì hiện Công ty TNHH MTV Lam Sơn mới đang làm công tác định giá tài sản để chuyển đổi.

Vì vậy, đề nghị Công ty làm rõ nội dung trên, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính. Đề nghị Công ty tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật./.


Gửi phản hồi: