Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi BTC, Công ty chúng tôi ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản với Công ty BH, theo đó, tài sản được bảo hiểm là thiết bị Cần trục bánh xích với số tiền bảo hiểm là 1.500.000.000 đồng. 24/6/2018, do ảnh hưởng của thời tiết mưa, lũ, thiết bị Cần trục bánh xích bị cuốn trôi, Công ty giám định do Cty BH chỉ định đã lập biên bản xác định thiết bị bị thiệt hại toàn bộ. Công ty BH cho rằng trong hợp đồng có ghi mức bồi thường phải bằng giá trị thay mới trừ đi tỷ lệ khấu hao phù hợp, do đó công ty BH đã áp dụng thông tư 45/2013 của BTC để tình mức khấu hao và đề nghị bồi thường số tiền là hơn 400 triệu đồng. Tôi xin hỏi, việc công ty BH áp dụng thông tư 45/2013 để tính mức khấu hao có phù hợp không? bởi lẽ số tiền được đề nghị thấp hơn rất nhiều so với sồ tiền được bảo hiểm đã ký kết trong hợp đồng.
19/03/2020
Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm...

- Theo quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm:

“Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

- Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định: “1. Thông tư này áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Việc tính và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư này được thực hiện đối với từng tài sản cố định… của doanh nghiệp.”

- Theo quy định tại Điều 46 luật Kinh doanh bảo hiểm:

1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.

- Theo quy định tại Điều 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm:

1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây: a) Sửa chữa tài sản bị thiệt hại; b) Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác; c) Trả tiền bồi thường.

2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền”.

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định: Đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (trừ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe), doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng dân sự, do các bên liên quan phối hợp thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Trường hợp các bên không thống nhất được cách thức giải quyết bồi thường thì có thể đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự, những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: “3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”

Gửi phản hồi: